Chương trình 135/CP giai đoạn II Đạt tiêu chí “3 nhất”
Chương trình 135/CP đã đạt tiêu chí “3 nhất” đó là: toàn diện nhất, hợp lòng dân nhất và hiệu quả nhất - ấy là đánh giá của đồng chí Hoàng Văn Nhân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết Chương trình 135/CP giai đoạn II vào cuối tháng 12 vừa qua.
Quả thực như vậy, nhìn vào những con số thể hiện trong báo cáo tổng kết, thì Chương trình 135/CP đã góp phần thay đổi diện mạo KT - XH các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh...
Những con số vui lòng
Chương trình 135/CP giai đoạn II (2006 - 2010) trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư, hỗ trợ vào 6 dự án thành phần: phát triển sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; đào tạo cán bộ xã, bản và cộng đồng... Tuỳ vào từng hợp phần, các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự toán, ghi vốn để triển khai đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và cho từng người dân. Với một tỉnh đặc biệt khó khăn, 73/112 xã, phường, thị trấn thuộc diện hưởng lợi như Điện Biên thì đầu tư hợp phần nào trước cũng quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng, dành nhiều vốn hơn cho Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Trong vòng 5 năm (2006 - 2010), bằng nguồn vốn gần 272 tỷ đồng, đã có 333 công trình: giao thông, cống thoát nước, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, trạm xá... được đầu tư xây dựng phục vụ lợi ích nhân dân. Đi về các xã vùng sâu, vùng cao, chúng ta dễ dàng bắt gặp những con đường, cây câu treo, cầu bê tông cốt thép bắc qua sông rộng, suối dài được gắn biển “135/CP”. Với các xã giáp biên: Nà Hỳ, Nà Bủng, Nà Khoa... (huyện Mường Nhé); Mường Mươn, Si Pa Phìn... huyện Mường Chà; Mường Lói, Mường Nhà... huyện Điện Biên, nhiều tuyến đường đất được mở mới, hạ thấp độ cao, nới rộng bán kính vòng cua thay cho những con đường dân sinh ngoằn ngoèo, cây dại phủ rợp lối đi như trước. Ông Tòng Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Mường Toong - là đại biểu cấp xã của huyện Mường Nhé vinh dự được về dự hội nghị tổng kết Chương trình 135/CP giai đoạn II do UBND tỉnh tổ chức, phấn khởi cho biết: Hiện nay, 100% bản của xã đã có đường giao thông nông thôn. Giao thông thuận lợi, phần lớn các gia đình mua xe máy làm phương tiện đi lại, thăm thân và đi làm nương. Cũng theo ông Quyết: Trước đây, đội ngũ cán bộ cấp xã, bản yếu chuyên môn nghiệp vụ năng lực hạn chế, việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các dân tộc trong xã gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, lần lượt xã cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực thông qua nguồn vốn hỗ trợ Dự án đào tạo cán bộ xã, bản và cộng đồng. Đến nay, anh em đảm đương tốt công việc giao phó, những cán bộ chủ chốt thành thạo soạn thảo văn bản trên máy vi tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành...
Ý kiến phát biểu của ông Tòng Văn Quyết được nhiều đại biểu tán thành và đồng tình ủng hộ. Thông tin chúng tôi có được, từ khi triển khai Chương trình 135/CP giai đoạn II đến nay, hợp phần đào tạo cán bộ xã, bản và cộng đồng đã mở 310 lớp với 17.718 học viên theo học. Tuỳ vào nhu cầu, lòng mong muốn của đội ngũ cán bộ xã, bản và người dân, chủ đầu tư sẽ phê duyệt phương án đào tạo nghề hoặc tổ chức chương trình đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất ở các tỉnh trong vùng Tây Bắc và trung du đồng bằng Bắc Bộ để học viên được “mắt thấy tai nghe”, tích luỹ nhiều điều hay, cách làm mới áp dụng vào thực tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai có hiệu quả, kịp thời các hợp phần: duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư; hỗ trợ các dịch vụ và cải thiện đời sống nhân dân... đã tạo “cú hích” để đồng bào các dân tộc vượt khó vươn lên XĐGN.
Cách làm sáng tạo
Trong 5 năm triển khai Chương trình 135/CP giai đoạn II, đã có gần 488 tỷ đồng do Trung ương đầu tư cho tỉnh. Rút kinh nghiệm của Chương trình 135/CP giai đoạn I, Ban Dân tộc tỉnh - đơn vị Thường trực Chương trình 135/CP giai đoạn II tham mưu UBND tỉnh không “đốt cháy giai đoạn” khi phân cấp đầu tư về cho cấp xã. Khi nào Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xét thấy những người “đứng mũi chịu sào” cấp xã lớn mạnh, đủ năng lực, chuyên môn đảm đương trọng trách thì mới giao làm chủ đầu tư các hợp phần. Thực hiện phân cấp đầu tư sẽ giảm áp lực, tính chất ôm đồm công việc cho cấp huyện, tỉnh. Khi xã làm chủ đầu tư, lợi ích và trách nhiệm nặng nề như nhau, họ chủ động họp dân, phân tích rõ tính chất, quy mô, hiệu quả kinh tế, xã hội của từng dự án, bà con phát huy tinh thần dân chủ, đóng góp ý kiến và đi đến sự thốngnhất chung. Và nữa, việc lựa chọn danh mục công trình đầu tư được thực hiện công khai, người dân tham gia ngay từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng dự án; công khai việc lựa chọn nhà thầu và phần tham gia đóng góp của dân sẽ tránh được lời ra tiếng vào. Cách làm này đã phát huy nguyên tắc “xã có công trình, dân có việc làm, tăng thêm thu nhập”. 2 năm đầu (2006, 2007), do trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã, thị trấn còn yếu, UBND tỉnh chưa giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các hợp phần Chương trình 135/CP. Đến năm 2009, Ban Dân tộc mới tham mưu UBND tỉnh giao cho 14 xã làm chủ đầu tư 2 hợp phần khá quan trọng: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Kết quả mang lại sau phân cấp đầu tư khá ấn tượng: công trình triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng, bà con hồ hởi đón nhận và nâng cao ý thức bảo vệ nhằm phát huy tốt hiệu quả.
Thay lời kết
Chương trình 135/CP giai đoạn II đã kết thúc vào năm 2010. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã nghiên cứu phương án, hoàn thiện cơ chế quản lý các chương trình, chính sách; cập nhật số hộ, xã, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn để tiếp tục đề nghị Trung ương đầu tư, hỗ trợ. Có thể khẳng định, Chương trình 135/CP đã mang lại cho tỉnh nhiều lợi ích. Thông qua các dự án được đầu tư đã góp phần hạ tỷ lệ hộ đói nghèo từ 44,06% (năm 2006) xuống còn 31,5% (năm 2010). Và sẽ hiệu quả hơn nữa nếu chúng ta hạn chế được những sai sót, nhầm lẫn, mặc dù không lớn nhưng cần rút kinh nghiệm như: chi sai chế độ trong Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của huyện Mường Chà; chi vượt khung cho phép ở huyện Điện Biên Đông; phân bổ vốn cho xã không thuộc đối tượng thụ hưởng ở huyện Tùa Chùa...
Một điều không thể không nhắc đến đó là việc lập kế hoạch xin Trung ương cấp vốn cho cả giai đoạn, thông thường là 5 năm cần phải được tính toán chặt chẽ, có căn cứ khoa học. Như chúng ta đã biết, nhiều năm qua, phần lớn các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đều thiếu vốn vào những thời điểm “nước rút”. Nguyên nhân, do việc tính toán, dự báo của các nhà hoạch định chính sách còn “non tay”, thường không lường trước được các vấn đề trượt giá, dẫn đến nhiều công trình thi công dở dang; vì thiếu vốn, ít vốn nên nhiều nhà thầu bỏ dở hoặc tìm cách thi công “câu giờ”. Vốn Chương trình 135/CP giai đoạn II do Trung ương đầu tư 100%, và tới đây nếu được đầu tư thông qua một chương trình nào khác thì những người được giao nhiệm vụ cần có trách nhiệm hơn, tránh dẫm lên “vết xe đổ” của 2 giai đoạn trước cũng như nhiều chương trình, dự án khác.
Theo www.baodienbienphu.com.vn
[TT: H.T.N]