Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống; phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn;...là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 1-5/4/2013.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn và triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành giảm lãi suất tín dụng ngay trong đầu tháng 4/2013; tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các ngân hàng thương mại, tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế; đẩy mạnh ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt giá trị đồng tiền Việt Nam.

Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo tiết kiệm chi, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ chi từ nguồn dự phòng ngân sách; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đánh giá việc thực hiện các chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 02/NĐ-CP, khả năng cân đối ngân sách năm 2013, tính toán phương án tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20% và phương án giảm thuế giá trị gia tăng, báo cáo Chính phủ trong tháng 4/2013.

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo chống hạn ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở miền Nam; phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện bảo đảm điện và điều tiết nước tại các hồ đập thủy điện trên các lưu vực sông để chống hạn cho sản xuất; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc hỗ trợ vắc-xin phòng, chống, dập dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và việc hỗ trợ chống hạn, xâm nhập mặn cho các vùng bị ảnh hưởng; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế đầu tư đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh và chủ động cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền, giải thích, đối thoại về chính sách, đặc biệt là các vấn đề dư luận quan tâm. Các Bộ, cơ quan chú trọng việc lấy ý kiến nhân dân, coi trọng phản biện xã hội khi xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để bảo đảm sự đồng thuận trong thực thi, phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Chính phủ ban hành với 6 nhiệm vụ chủ yếu.

Sáu nhiệm vụ chủ yếu gồm: 1- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; 2- Tiếp tục hoàn thiện thể chế để đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ; 3- Triển khai các định hướng, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; 4- Phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; 5- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; 6- Hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 với mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Một trong các giải pháp của Đề án là tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế, trong đó, đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, cùng với giải pháp chung (như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, vận động tham gia, tăng cường tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế), kết hợp với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Cùng với việc tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, Đề án cũng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế ở cả hệ thống cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân.

Các giải pháp của Đề án này được thực hiện trong giai đoạn 2012-2015. Sau năm 2015, mục tiêu và các giải pháp sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tổng kết quá trình triển khai Đề án giai đoạn 2012-2015 và thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015, là dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững (Chương trình 135) và giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2012-2015 là giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm. Đến 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 50% mức bình quân chung khu vực nông thôn của cả nước; 85% số thôn có đường cho xe cơ giới, trong đó có 35% số xã và 50% thôn có đường giao thông đạt chuẩn.

Giai đoạn 2016-2020, sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thủ tướng phê bình 14 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng

Tại văn bản 419/TTG-KTN, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 13 địa phương đã giảm trên 20% số người chết vì tai nạn giao thông trong quý I/2013; đồng thời phê bình 14 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2012.

Cụ thể, 13 địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương đã thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong quý I/2013 gồm: Cà Mau, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bạc Liêu, Kon Tum, Bình Phước, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Kiên Giang và Tiền Giang.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng phê bình 14 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn trong quý I/2013 tăng so với cùng kỳ năm 2012, gồm: Lai Châu, Khánh Hoà, Yên Bái, Lào Cai, Hoà Bình, Đăk Lăk, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, Sơn La và Hà Tĩnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban An toàn giao thông các địa phương trên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Phải phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2013/QĐ-TTg về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó yêu cầu phải cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người theo quy định.

Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản phải lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Có 2 trường hợp không phải lập Đề án: 1- Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản đã có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt và đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định; 2- Tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.

Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Theo Nghị định 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã được Chính phủ ban hành, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch) thì Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức phí áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình sử dụng nước, tương ứng với số phí trung bình một người sử dụng nước từ hệ thống nước sạch phải nộp tại địa phương.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo 2 nhóm: nước thải không chứa kim loại nặng và nước thải chứa kim loại nặng.

Không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong 6 trường hợp: 1- Nước xả ra từ các nhà máy thuỷ điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường; 2- Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; 3- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế-xã hội; 4- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; 5- Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; 6- Nước mưa tự nhiên chảy tràn.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý 4 trạm bán quyền thu phí

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo việc xử lý đối với 4 trạm bán quyền thu phí gồm 3 trạm trên Quốc lộ 1 và 1 trạm trên Quốc lộ 18.

Theo đó, đối với trạm số 2 (trạm Phù Đổng) - Quốc lộ 1 và trạm Bãi Cháy - Quốc lộ 18, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đàm phán thống nhất với nhà đầu tư về phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với trạm Hoàng Mai và trạm Bàn Thạch - Quốc lộ 1, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chuyển giao hai nhà đầu tư BOT để thu phí hoàn vốn Dự án BOT, giao Bộ Giao thông vận tải đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư việc mua lại, thời gian chuyển giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập trung khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá tại Lào Cai

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các hộ gia đình có người bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo cứu chữa người bị thương, hỗ trợ cứu đói cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, thiếu đói, nhất là những gia đình thuộc đối tượng chính sách.

Huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thể tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Tăng cường các biện pháp điều tiết nguồn hàng, quản lý giá cả thị trường, nhất là giá lương thực, thực phẩm, giá các vật tư, vật liệu thiết yếu cho sửa chữa nhà cửa, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai ép giá.

Quyết liệt ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu

Để ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, sự xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm, đặc biệt là chủng vi rút cúm A(H7N9) từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, không để lây lan dịch bệnh cho gia cầm trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088), hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được giao.

Đồng thời, tăng cường quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm... lưu thông trên thị trường; thực hiện nghiêm việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcyêu cầuTổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo tiến độ, yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Đồng thời, khẩn trương báo cáo các vụ việc qua rà soát thấy cần có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, khi giải quyết khiếu nại lần hai phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, không dùng công văn thay quyết định giải quyết.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tại Thông báo 139/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo theo ngành nghề, có phân biệt học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu phải tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề theo hướng chuyên nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và cơ quan Trung ương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo nghề của các cơ quan, tổ chức này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2013.

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có văn bản hướng dẫn cấp huyện hình thành 1 trung tâm chung để thực hiện đồng thời các chức năng: giáo dục thường xuyên, dạy nghề, hướng nghiệp, qua đó góp phần sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, tránh lãng phí nguồn lực.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp các nguồn vốn, đề xuất định mức vốn bình quân và cơ chế hỗ trợ cho một số nhóm ngành tiêu biểu sau khi được đào tạo nghề.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các địa phương chủ động phối hợp với các địa phương khác và doanh nghiệp liên quan tổ chức việc bao tiêu sản phẩm của hộ nông dân theo hình thức lập hợp tác xã tiêu thụ; kết nối để bán sản phẩm cho các doanh nghiệp ngoài địa phương; ký kết hợp đồng đặt hàng, thu mua với doanh nghiệp.

( Theo Chinhphu.vn)

[TT: LPM]


 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành