Chương trình 135 giai đoạn II: 80% người dân hài lòng về chất lượng công trình

Kết quả giàu ý nghĩa Với mục tiêu tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước; phấn đấu đến năm 2010, cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 30%, trên 70% số hộ đạt mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/năm, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 -2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) đã được triển khai trên địa bàn 1.958 xã; 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh. Chương trình có 4 nhiệm vụ chính, gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc. Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, n

    Nguồn vốn Trung ương đã bố trí cho chương trình là 14.025 tỷ đồng, trong đó định mức đầu tư các dự án thành phần tăng theo hàng năm. Ngân sách địa phương bố trí trên 635 tỷ đồng. Trong 5 năm, chươngtrình đã huy động 7 nhà tài trợ cam kết hỗ trợ khoảng 367 triệu USD (tương đương 6.240 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn phát triển sản xuất là 1.946,86 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hỗ trợ cho 2,2 triệu hộ với 11.800 tấn giống cây lương thực, 33 triệu giống cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, gần 300.00 con giống gia súc,... Ngân sách Trung ương cũng đã bố trí 8.646,07 tỷ đồng đầu tư xây dựng 12.646 công trình hạ tầng (3.375 công trình đường giao thông, 2.393 công trình thủy lợi, 2.478 công trình trường học, 1.573 công trình nước sinh hoạt, 487 trạm y tế,....)

    Cho đến thời điểm này, Chương trình 135 giai đoạn II đã có nhiều tác động tích cực lên các địa phương, thay đổi diện mạo nhiều thôn, bản, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Tỷ lệ các xã có đường giao thông đến thôn/bản đạt 95,55%; 85,83% xã có bưu điện văn hóa; 70,45% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ; 95,14% số xã có điện.

    Tỷ lệ nghèo đã giảm nhiều ở nhóm dân tộc thiểu số, từ 57,2% năm 2007 xuống còn 49,2% năm 2012, trong đó dân tộc Mông, Nùng và Tày là nhóm dân tộc thiểu số thành công nhất (nhóm Mông giảm từ 83,5% xuống còn 59,2%). Chương trình đã có tác động đáng kể tới mức sống của các hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ dân tộc thiểu số. Thu nhập của các hộ đã tăng lên khoảng 20% sau 5 năm, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.

    Điều kiện về nhà ở đã được cải thiện đáng kể ở tất cả các gia đình. Diện tích nhà ở trung bình tính trên đầu người đã tăng từ 13m2 lên 18m2 trong khoảng thời gian từ 2007 – 2012. Tuy nhiên, tình hình sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn vẫn còn hạn chế. Chỉ có 13% số hộ dân tộc được sử dụng nước máy, trong khi số liệu tương ứng ở cấp quốc gia là 27%; chỉ có 9,14% số hộ dân tộc thiểu số có nhà vệ sinh tự hoại/bán tự hoại. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện tăng từ 68,6% (năm 2007) lên 83,6% (năm 2012). Chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình trong các xã Chương trình 135 được cải thiện đáng kể. Khoảng 70,9% số hộ có ít nhất một điện thoại trong năm 2012; gần 70% số hộ có ti vi; tỷ lệ các hộ có xe máy đã tăng từ 43,8% lên 66,2%. Ở cả hộ nghèo, không nghèo và tất cả các nhóm dân tộc thiểu số, tỷ lệ sở hữu xe máy đều tăng.

    Chương trình 135 giai đoạn II đã đạt được thành công đáng kể trong thực hiện phương pháp tiếp cận có sự tham gia với tiến bộ đáng ghi nhận trong việc phân cấp, phân quyền. Trong năm 2010, có khoảng 85% các công trình/dự án của Chương trình 135 đã tổ chức các cuộc họp lựa chọn công trình ở địa phương, tỷ lệ hộ gia đình biết được thông tin các buổi họp là 56,1% (năm 2007) và 79,3% (năm 2010). Nhờ có công tác tăng cường năng lực, số lượng các công trình/dự án do xã làm chủ đầu tư tăng gấp đôi đến năm 2010 (45,9%). Chương trình 135 giai đoạn II đã làm tốt việc thu hút nhiều lao động địa phương hơn. Tỷ lệ các hộ gia đình có thành viên làm việc cho các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương giữ ở mức 30%. Tỷ lệ số hộ được trả lương đã tăng gấp đôi (từ 4,4% lên 9,1%). Mức độ hài lòng về chất lượng các công trình/dự án tăng lên, theo đó có hơn 80% số người được hỏi hài lòng với chất lượng công trình. Theo cán bộ các xã, chất lượng cuộc sống của phần lớn dân cư được cải thiện.

    Ông Võ Văn Bảy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, với những cách làm mới và những kết quả tác động đạt được đã chứng tỏ Chương trình 135 giai đoạn II đã cung cấp những hỗ trợ hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Những bài học từ chương trình sẽ tiếp tục được phát huy cho Chương trình 135 giai đoạn 2012 – 2015.

    Hạn chế lớn nhất: Tái nghèo

    Theo ông Phùng Đức Tùng, đại diện IRC, trong quá trình thực hiện điều tra, một vấn đề dễ nhận thấy là tỷ lệ thoát nghèo ở các địa phương thuộc diện 135 chưa thực sự bền vững, chỉ cần một yếu tố bất lợi của thời tiết, thiên tai, thị trường là có thể tái nghèo. Qua điều tra, có đến 22,1% số hộ thoát khỏi nghèo đói nhưng lại có đến 14,3% số hộ trở thành hộ nghèo giữa hai năm 2007 – 2010. Các hộ người Kinh dễ có khuynh hướng trở thành hộ nghèo tạm thời trong khi các hộ dân tộc thiểu số lại có nhiều khả năng là hộ nghèo kinh niên. Chất lượng cuộc sống ở các xã vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước.

    Do năng lực yếu kém ở cấp xã nên mục tiêu 100% số xã có thể làm chủ đầu tư các công trình/dự án vào thời điểm kết thúc chương trình đã không đạt được như mong đợi. Chỉ có 46% công trình hạ tầng có xã làm chủ đầu tư; 54,2% công trình được đấu thầu công khai; 39,1% công trình có tài khoản tại kho bạc; 54,5% công trình có kế hoạch vận hành và duy tu bảo dưỡng. Các công trình do xã làm chủ đầu tư vẫn gặp phải một số khó khăn như chậm giải ngân, công tác giám sát vận hành, duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm nên công trình bị xuống cấp; quá trình khảo sát, thiết kế chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán của người dân dẫn đến công trình không phát huy tác dụng.

    Ngoài ra, chương trình đã đạt được một số mục tiêu nhưng ở mức độ không đồng nhất giữa các nhóm dân tộc. Tình trạng này cho thấy, việc thiết kế các chương trình trong tương lai cần tính đến điều kiện, nhu cầu và văn hóa của từng nhóm dân tộc.

    Theo ông Nguyễn Tiên Phong, Trưởng phòng Tăng trưởng và Phát triển toàn diện (Văn phòng UNDP tại Việt Nam), trên cơ sở kết quả báo cáo, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có thêm nghiên cứu để phân tích các tác động của từng hợp phần chương trình, đồng thời giải thích lý do vì sao chương trình có tác động khác nhau lên các nhóm dân tộc và các vùng; cần có thêm nghiên cứu để phân tích các lý do vì sao một số hộ chưa thoát nghèo dù nhận được hỗ trợ. Đây cũng sẽ là nguồn thông tin ban đầu quý giá phục vụ cho việc thiết kế chương trình tiếp theo nhằm đạt được những kết quả bền vững.

    ( Theo baokinhthenongthon.com.vn)

    [TT: LPM]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành