Chương trình 135 giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo bền vững
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, đời sống người dân các xã, các thông vùng đặc biệt khó khăn đã được cải thiện một bước đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo từ 66,98% năm 2006 đã giảm nhanh xuống còn 21,52% vào cuối năm 2009. Phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn về giải pháp của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xin đồng chí đánh giá khái quát hiệu quả của Chương trình 135 (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh ta sau gần 5 năm triển khai thực hiện?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn và miền núi theo Quyết định số: 07/2006/QĐ – TTg, ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135 giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Hà Giang được triển khai thực hiện ở 123 xã vùng III và 93 thôn vùng III của xã vùng II thuộc 11 huyện, thị trong tỉnh. Chương trìnhđược triển khai trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ Chương trình 135 giai đoạn I, đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống, làm chuyển biến đáng kể tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương các xã và các thôn được thụ hưởng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc, năng lực quản lý của cán bộ cấp xã, thôn bản từng bước được nâng lên thông qua việc tiếp cận và trực tiếp làm chủ đầu tư các hợp phần của dự án. Trong 5 năm tổng nguồn vốn kế hoạch T.Ư giao cho tỉnh thực hiện chương trình đạt trên 829 tỷ đồng, trong đó hợp phần sản xuất, tính đến hết năm 2010 tỉnh ta được T.Ư giao 123,450 tỷ đồng; dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng được Trung ương giao trên 551,27 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng T.Ư giao gần 32 tỷ đồng; dự án hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sốngnhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật T.Ư giao gần 100 tỷ đồng cùng với nguồn vốn duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư do T.Ư hỗ trợ trên 26 tỷ đồng...tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, thị tập trung triển khai hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, tích cực xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, các thôn vùng 135 giảm từ 66,98% trong năm 2006 xuống còn 34,21 %, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 43,73% xuống còn 21,52% vào cuối 2009 với xu thế phát triển khả quan về kinh tế - xã hội của tỉnh 8 tháng đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo sẽ còn dưới 16% vào cuối năm 2010. Có thể khẳng định Chương trình 135 giai đoạn II đã giúp người dân trong tỉnh nhanh chóng thoát nghèo một cách bền vững.
Phóng viên: Tỷ lệ hộ nghèo tại các cơ sở được thụ hưởng Chương trình 135 giảm nhanh đã nói lên hiệu quả của chương trình. Vậy, đã triển khai thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả nêu trên, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Chương trình 135 giai đoạn II là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn I. Mục tiêu của Chương trình là: Thu ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng một cách bền vững; tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận và ứng dụng KHKT vào phát triển sản xuất để xoá đói giảm nghèo; nâng cao trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ xã, thôn đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Nhận thức rõ vấn đề nên ngày từ năm 2006, khi bắt đầu triển khai thực hiện UBND tỉnh đã chủ động trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về tiêu chí phân bổ vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2006-2010. Vì vậy, nguồn vốn Chương trình 135 được phân bổ theo tiêu chí chung của tỉnh. Việc phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư được quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Hiện đã có 123/123 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn đảm nhiệm vai trò là chủ đầu tư. Tỉnh cũng đã có quy định phân cấp rõ ràng, không chồng chéo, phù hợp với trình độ, năng lực quản lý của cán bộ xã, thôn, bản. Đặc biệt đã tạo ra sự chuyển biến rất rõ rệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh phân cấp cho xã làm chủ đầu tư. Một số huyện có giải pháp phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban trực thuộc trực tiếp giúp đỡ các xã trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh đều tổ chức giao kế hoạch sớm đã tạo điều kiện cho các huyện, các chủ đầu tư chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình 135 giai đoạn II chú trọng tới phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của người dân. Bởi lẽ đây là phương pháp góp phần thực hiện chủ trương dân chủ, công khai và nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi của Chính phủ đề ra. Nếu lập kế hoạch dựa trên mục tiêu thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu của bà con nhân dân và cộng đồng, người dân được bàn bạc tham gia xây dựng kế hoạch thì ai cũng phấn khởi, vì biết rõ mình phải làm gì, làm việc cho ai và được hưởng những lợi ích gì. Nếu được bàn bạc thống nhất ý kiến thì kết quả thực hiện sẽ đạt cùng mục tiêu, mọi người cùng phấn khởi, góp sức vào quá trình thực hiện cùng làm ra những sản phẩm và sản phẩm đó thực sự là của mọi người dân. Ngược lại, trong khâu lập kế hoạch nếu chưa có sự tham gia đóng góp của người dân, thì người dân sẽ phân vân không biết làm gì, triển khai thế nào... vì vậy sẽ không nhiệt tình tham gia và nếu có tham gia sẽ thiếu sự tích cực. Với cách làm này quy chế dân chủ được thực hiện hiệu quả và phát huy sâu rộng, mặt khác sự phối hợp giữa giám sát chủ đầu tư với ban giám sát xã cũng luôn được đề cao. Ngoài ra, để triển khai có hiệu quả và đúng mục tiêu của Chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt các nội dung Chương trình cho các đối tượng là thành viên BCĐ cấp huyện, Ban quản lý Dự án xã, đội ngũ cán bộ kế toán ngân sách xã trong việc quản lý và công tác giải ngân vốn của chương trình; tập huấn phương pháp tổng hợp, đánh giá và mẫu báo cáo theo Quyết định số 04/QĐ-UBDT ngày 08/8/2008 của Uỷ ban Dân tộc... Từ cách thức triển khai chặt chẽ, khoa học nên Chương trình 135 giai đoạn II đã phát huy hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Phóng viên: Nếu nói ngắn gọn về Chương trình 135 giai đoạn II đồng chísẽ nói gì ?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Đầu tư tại cơ sở, trực tiếp tới các hộ nghèo trên địa bàn các thôn bản, các xã đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt công tác lập kế hoạch đầu tư có sự tham gia của người dân ở cơ sở, đồng thời phân cấp xuống cơ sở để chủ động triển khai thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “xã, thôn (bản) có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập”. Chương trình 135 giai đoạn II trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta đã thu hút, khơi dậy sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân các dân tộc, nhất là các hộ nghèo đang sống trong cộng đồng; Chương trình đã giúp nhiều hộ nghèo trong tỉnh thấy rõ được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tới đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, biêngiới... trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo; giúp cho hộ nghèo và đồng bào các dân tộc hiểu thêm về môi trường nơi họ đang sống, xác định được những vấn đề khó khăn và nguyên nhân sự khó khăn của mình, thôn (bản) mình và xã mình, từ đó tập trung bàn bạc và chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể, để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống một cách bền vững. Đây cũng là một trong những hiệu quả cao nhất mà Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh ta đạt được trong quá trình đầu tư thực hiện.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh !
Theo Đức Dũng
(Nguồn: Báo Hà GIang)
[TT: H.T.N]