Chương Trình 135 qua báo chí địa phương Phú Thọ: Sau 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II
Hiện nay toàn tỉnh Phú Thọ có 43 xã, 190 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được thụ hưởng Chương trình (CT)135 giai đoạn II.
4 dự án hợp phần thuộc CT 135 giai đoạn II gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng; Hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý có tổng kinh phí kế hoạch là 152.528 triệu đồng.
Phát huy kết quả đạt được, từ kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện CT 135 giai đoạn I, Phú Thọ triển khai thực hiện đồng bộ trong xây dựng hệ thống quản lý cũng như thực hiện Chương trình. Các xã được thụ hưởng Chương trình đều thành lập Ban Quản lý dự án, Ban Giám sát Chương trình; thực hiện dân chủ công khai việc lựa chọn danh mục đầu tư xây dựng, bình xét hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và chính sách trợ giúp pháp lý cho nhân dân vùng ĐBKK.
Ban Điều hành CT 135 giai đoạn II đã tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực quản lý đối với Ban Quản lý cấp xã, từ đó thống nhất việc giao trách nhiệm làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Ban Điều hành dự án còn phối hợp với các ban, ngành của Đảng, HĐND, các tổ chức đoàn thể thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình ở cơ sở...
Sau 3 năm thực hiện CT 135 giai đoạn II, cùng với các chính sách đổi mới, toàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, các xã ĐBKK và các xã có thôn, bản ĐBKK đều thành lập Ban Quản lý, Ban Giám sát CT 135; đã có 15/43 xã làm chủ đầu tư. Toàn tỉnh đã xây mới 137 công trình hạ tầng; 34.775 hộ gia đình được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, máy móc thiết bị phục vụ vụ sản xuất, chế biến; 4.147 lượt các bộ đựợc tập huấn kiến thức cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh tế, giám sát thi công xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương; 11.076 hộ được hỗ trợ làm nhà vệ sinh... Kết quả thực hiện các hợp phần của Chương trình đều đạt 100% kế hoạch đã đề ra. Các công trình xây dựng đều đáp ứng nhu cầu bức thiết và mong đợi của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các chính sách hỗ trợ vừa sát thực, vừa thông thoáng, dễ thực hiện đối với cơ sở. Vì vậy, CT 135 nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng và huy động được nhiều nguồn lực.
Ngoài việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình, Ban Điều hành chương trình còn kết hợp, lồng ghép với các nguồn vốn khác như vốn: WB, JBIC ...để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ nguồn vốn này, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 117 công trình hạ tầng, qua đó đã làm tăng thêm 70 km đường nhựa, 50 km đường bê tông, 13 công trình thuỷ lợi đầu mối và nhiều hạng mục khác...
Theo đó, các lĩnh vực kinh tế - xã hội các xã ĐBKK đã có những chuyển biến tích cực; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi; tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân giảm 5%/năm; 100% các xã, 95% số thôn, bản có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm xã; 68% diện tích lúa được chủ động tưới tiêu; 68% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các xã duy trì phổ cập giáo dục và hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; cơ cấu kinh tế các xã ĐBKK đã bắt đầu hình thành và có sự chuyển dịch theo hướng nông, lâm kết hợp, nhiều vùng đã đi vào sản xuất hàng hoá...
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2010, Ban Điều hành Chương trình tiếp tục thực hiện đồng bộ các hợp phần của CT 135 và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn. Chú trọng đầu tư các công trình thuỷ lợi, nước sạch, khai hoang đất sản xuất; nâng cao trình độ cho cán bộ xã, thôn bản, đào tạo nghề cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu năm 2008 có 5 xã và năm 2009 có 10 xã hoàn thành mục tiêu CT 135 giai đoạn II; các xã ĐBKK đảm bảo mục tiêu giảm nghèo hằng năm đạt từ 7-8% theo đúng lộ trình đã đề ra của Chương trình.
Theo Báo Phú Thọ