Đánh giá tác động của Trang thông tin Chương trình 135 tại Cao Bằng

Ngày 29/7/2010, tại Cao Bằng, Trung tâm Thông tin (UBDT) phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của Trang thông tin Chương trình 135 (CT 135) đối với các cơ quan, cá nhân hoạt động trong CT 135 các cấp”. Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan UBDT chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có đại diện một số vụ, đơn vị chức năng thuộc UBDT; lãnh đạo chủ chốt của Ban Dân tộc Cao Bằng. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã lược ghi ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo:

1.Ông Nguyễn Đắc Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Trang thông tin CT 135 cần làm rõ lợi ích, tác động những thông tin chuyên môn về CT135; thông qua truy cập trang tin giúp độc giả tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Trang tin cần có tính định hướng rõ hơn, tận dụng và tối ưu hóa tác dụng của công nghệ thông tin, từ đó nâng tầm của cơ quan chủ quản. Mặt khác, cần tăng cường việc đào tạo trực tuyến để độc giả dễ dàng truy cập mọi nơi, mọi lúc.

2.Ông Mạc Văn Nheo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Cần quảng bá sâu rộng hơn nữa trang thông tin CT 135 để cán bộ trực tiếp làm CT 135 tiếp cận, tiến tới hiểu biết rõ hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn. Cần phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ những độc giả có nhu cầu về phương hướng, cách thức truy cập sao cho đơn giản nhất, như vậy hiệu quả tuyên truyền sẽ cao. Bên cạnh đó, trang tin cũng cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên đủ mạnh để thông tin được đa dạng, trực tiếp, nâng cao tính quảng bá.

3.Ông Đặng Hùng Thụy, Phó trưởng Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Tính tiện ích của trang tin là điều không phải bàn cãi, nhưng bất cập còn nhiều. Thực tế ở địa phương, việc đôn đốc, chỉ đạo thực hiện CT135 và một số chính sách khác còn hạn chế do địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông, hạ tầng còn nhiều khó khăn nên khi triển khai văn bản, hướng dẫn thường phải trực tiếp bằng văn bản. Chưa kể cán bộ làm công tác dân tộc ở nhiều nơi trong tỉnh chưa sử dụng thành thạo máy vi tính để soạn thảo văn bản và đa phần máy vi tính chưa được kết nối mạng Internet.

4. Bà Cam Thị Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Khó nhất đối với Cao Bằng là cơ sở vật chất và hạ tầng. Ngay tại Ban Dân tộc tỉnh, mới chỉ 2/3 số máy vi tính được kết nối với mạng Internet. Trung tâm Thông tin cần phối hợp, xây dựng trước các chương trình bồi dưỡng cộng tác viên hoặc tổ chức các lớp tập huấn cho chính đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh, huyện đến xã. Địa phương sẽ xem xét nghiêm túc việc cung cấp đội ngũ cộng tác viên cho Trang thông tin CT 135. Có như vậy hiệu quả tuyên truyền mới bảo đảm.

5. Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan: Những khó khăn của Trung ương và của tỉnh Cao Bằng tại Hội thảo cơ bản là xác đáng, qua đó thấy được những bất cập và hạn chế của Trang thông tin CT135 để có phương hướng điều chỉnh. Trang thông tin cần lưu ý việc chọn nội dung sao cho bảo đảm tính đa dạng (đưa cả những mặt được và chưa được) trên cơ sở điều chỉnh, phân loại các ý kiến để từng bước nâng cao chất lượng Trang thông tin ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tra cứu thông tin của độc giả.

Mạnh Cường (thực hiện)
Báo Dân tộc và Phát triển

[TT: N.T.P]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành