Đầu tư vào Tây Bắc: Kết nối hạ tầng phải đi trước

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Tây Bắc trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, trước hết cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối giữa các địa phương trong vùng với cả nước.

Ngày 3/4, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc” tại TP Tuyên Quang.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong cả nước tham dự hội nghị.

Giao thông là lĩnh vực ưu tiên

Hiện nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài toàn vùng Tây Bắc đạt hơn 2,4 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong vùng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng muốn phát triển Tây Bắc, kêu gọi đầu tư với tiềm năng, lợi thế và cơ chế ưu đãi, trước hết cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối Tây Bắc với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đây là nền tảng chính để thúc đẩy Tây Bắc phát triển, là điều kiện lớn để nhân dân các tỉnh trong vùng thoát nghèo, tiến kịp miền xuôi.

Vì thế, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần xã hội hoá việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, thúc đẩy Tây Bắc phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà kiến nghị để phát triển vùng Tây Bắc phải có chính sách đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh, nhất là lĩnh vực du lịch, cung cấp hàng hoá dịch vụ. Ông Lê Mạnh Hà đề nghị các tỉnh trong vùng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của TP đầu tư vào đây như Saigontourist, Saigoncorp, Fahasa...

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhận được sự cam kết từ giới khoa học trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu về phát triển khoa học công nghệ vùng Tây Bắc, kết hợp với đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh trong vùng.

Các Bộ, ngành cần khẩn trương vào cuộc

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy sự quyết liệt, tâm huyết trong đầu tư, kinh doanh vào các tỉnh Tây Bắc. Vì vậy, các địa phương, các Bộ ngành cần khẩn trương vào cuộc.

Cụ thể, Bộ NNPTNT hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với lợi thế các tiểu vùng và cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chuẩn bị hoạt động đầu tư, nâng cao các tuyến giao thông trọng điểm và đề xuất các dự án do Bộ quản lý để thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư. Bộ LĐTBXH khẩn trương tập hợp nhu cầu về an sinh xã hội vùng Tây Bắc, nhất là xoá nhà dột, kiên cố hoá trường lớp học, trạm y tế, để vận động các nhà tài trợ ủng hộ.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính theo chức năng của mình, tích cực giải quyết những vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho vùng Tây Bắc.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ vốn cho các dự án đã ký kết vùng Tây Bắc. Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, triển khai có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh Tây Bắc cần hoàn thiện công tác quy hoạch, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên đối với địa bàn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với các dự án có yêu cầu triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, cần chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc đặc điểm, tình hình, các lợi thế, tiềm năng, các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên cần gìn giữ và bảo tồn, vì lợi ích của nhà đầu tư và nhân dân trong vùng.

Tại Hội nghị này, các tỉnh thành trong vùng đã trao 27 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng giá trị khoảng 16.700 tỷ đồng, ký cam kết và thoả thuận hợp tác đầu tư 14 dự án với trên 8.400 tỷ đồng. 6 ngân hàng thương mại đã đồng ý cấp tín dụng trên 20.000 tỷ đồng cho các dự án và hơn 543 tỷ đồng được các đơn vị, công ty hỗ trợ lĩnh vực an sinh xã hội cho vùng Tây Bắc.

( Theo Chinhphu.vn)

[TT: LPM]


 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành