Diễn đàn thông tin - trao đổi: Góc nhìn từ Chương trình 134, 135

Nhân Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình (CT) 135 giai đoạn II vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 21/4/2009 vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển đã lược ghi một số ý kiến nhận xét, đánh giá của các nhà tài trợ, cán bộ làm công tác dân tộc địa phương về kết quả thực hiện của hai CT.

Ông Sean Hoy, Trưởng Ban Phát triển, Đại sứ quán Ai Len: “Cam kết tiếp tục hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của CT 135”

CT 135 là CT mục tiêu quốc gia hướng tới đồng bào nghèo được thiết kế bởi Chính phủ Việt Nam. Tôi có thể nhấn mạnh thêm về tinh thần làm chủ của Chính phủ bằng mối quan hệ chặt chẽ giữa UBDT và các đối tác phát triển. Theo điều tra cơ bản CT 135 giai đoạn II thì 43% dân số thuộc phạm vi CT vẫn trong diện nghèo và thiếu lương thực. Kết quả đánh giá giữa kỳ cho thấy, tỷ lệ nghèo giảm 3 – 4%/năm tại các địa bàn triển khai CT. Tôi cũng muốn nhân dịp này để thông báo một số kết quả thảo luận của chúng tôi về Nghị quyết 30a và đề án hỗ trợ giảm nghèo tại 61 huyện nghèo nhất Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, 90% số đối tượng của CT này trùng với đối tượng tác động của CT 135… Vì vậy, chúng tôi thấy Nghị quyết 30a có thể được xem xét tốt hơn trong khuôn khổ của CT 135 mở rộng.

Với những gì mà chúng ta đạt được, giai đoạn sắp tới của CT sẽ là giai đoạn đầu tư hậu cơ sở hạ tầng. Điều này không chỉ đúng với cơ sở hạ tầng vật chất mà còn đúng với năng lực của người dân đã được nâng lên.

Thay mặt các đối tác phát triển, tôi khẳng định lại cam kết của chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ đối tác trong hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của CT 135 với Chính phủ Việt Nam

Ông Nguyễn Khoa Lai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: “CT 135 “vực” giáo dục của tỉnh đi lên”

Tỉnh Gia Lai có 68 xã và 309 làng đặc biệt khó khăn được hưởng CT 135 giai đoạn II. Có thể nói, sau 3 năm thực hiện, CT đã tác động lớn cả về vật chất và tinh thần đến vùng đồng bào. Chỉ nói riêng về giáo dục, CT 135 đã đầu tư xây dựng 127 phòng học với diện tích trên 8.000m2 phục vụ trên 5.000 học sinh. Nhờ đó, đã thu hút trên 90% con em đồng bào trong độ tuổi đi học đến trường; số xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học tăng lên. Hiện tính bình quân vùng đồng bào cứ 3,5 người có 1 người đi học... Chúng tôi mong muốn, CT sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trường mầm non, trường trung học phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho con em trên địa bàn theo học ở trình độ cao hơn. Đối với chính sách hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo theo Quyết định 112, chúng tôi mong muốn Trung ương sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tất cả học sinh là con hộ nghèo tại các làng, bản đặc biệt khó khăn không học bán trú trong năm học tới.

Ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban Dân tộc Bình Phước:

“Quyết định 134 giúp giảm nghèo nhanh cho vùng đồng bào”

Qua 4 năm thực hiện cho thấy, Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương đúng đắn nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn… Với mục tiêu đó, chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội triển khai các nội dung của CT trên địa bàn. Nhờ đó, toàn tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ đất sản xuất cho gần 2.500 hộ với trên 1.700ha. Việc hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt đều đạt 100%.

Những kết quả này đã góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp giảm hộ nghèo từ 23,58% năm 2005 xuống còn 17% năm 2008. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chúng tôi còn gặp những khó khăn vì địa phương không còn quỹ đất sản xuất để giúp các hộ phát triển sản xuất mang tính chất ổn định và lâu dài…

Ông Đặng Hồng Tư, Trưởng Ban Dân tộc Cao Bằng: “Hỗ trợ Cao Bằng trong thực hiện CT 134”

Trong quá trình thực hiện CT 134, Cao Bằng còn có những hạn chế vì CT có 4 nội dung đầu tư, nhưng hầu hết các huyện mới tập trung thực hiện 2 chính sách, đó là hỗ trợ nhà ở và nước sinh hoạt tập trung. Còn chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thực hiện không đáng kể. Một hạn chế nữa là chất lượng một số công trình khảo sát ban đầu chưa tốt nên công tác quản lý, khai thác, bảo trì sau khi nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng chưa được các huyện, các xã quan tâm gây ảnh hưởng đến hiệu quả và tính bền vững của công trình. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc về cơ chế, định mức đầu tư như: Định mức hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán quá thấp so với định mức đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung, trong khi đối tượng cần hỗ trợ có đời sống khó khăn, bức xúc nhất. Chúng tôi mong có cơ chế cụ thể hướng dẫn mức kinh phí hỗ trợ chuyển đổi đất sản xuất sang hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp…

Ông Đinh Thái Long, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam): “CT 134 đã phát huy tốt ý thức trách nhiệm của cộng đồng, hộ gia đình…”

Nhờ làm tốt công tác vận động tuyên truyền nên trong quá trình thực hiện CT 134 tại huyện Đông Giang đã kêu gọi được đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng thực hiện của các hộ, của cộng đồng làng trong việc thực hiện chương trình xoá nhà tạm đã tạo thành phong trào sâu rộng, sôi nổi ở địa phương với mục tiêu lớn cần đạt được là tất cả các hộ dân tộc thiểu số nghèo đều có nhà ở vững chắc. Qua thực hiện chương trình này còn có ý nghĩa giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là dân tộc thiểu số tại địa phương. Cụ thể: nhiều thôn đã tự thành lập các tổ mộc, giúp nhau làm nhà bằng cách đổi công cho nhau… thậm chí có những hộ không được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo chương trình 134 cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ giúp đỡ ngày công để làm nhà cho hộ nghèo. Qua triển khai thực hiện, vai trò của già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng cũng được phát huy.

Nga Huyền - Bằng Giang
(Nguồn: Báo DT&PT)

[TT: N.T.V]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành