Giám sát thực hiện Chương trình 135 tại Kiên Giang

Vừa qua, Ban Dân tộc-Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (Chương trình 135 giai đoạn II) tại các huyện An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Giang Thành và Uỷ ban nhân dân tỉnh; giám sát qua văn bản báo cáo của Uỷ ban nhân dân 4 huyện U Minh Thượng, Châu Thành, Vĩnh Thuận và Hòn Đất.

Từ năm 2006-2010, tổng kinh phí đã đầu tư cho Chương trình là 105.842 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 45.242 triệu đồng, ngân sách địa phương 60.600 triệu đồng. Việc huy động, đóng góp của nhân dân chủ yếu thông qua việc hiến đất xây dựng công trình, đối ứng vốn xây dựng giao thông nông thôn, đóng góp ngày công lao động. Giá trị thực hiện khối lượng công việc hoàn thành tính đến 30/6/2010 là 81.164 triệu đồng, đạt 76,68% kế hoạch.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc đã bố trí được 4,3 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ triển khai tại 5 xã biên giới, huyện Giang Thành. Kết quả 5 xã của huyện Giang Thành đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất thí điểm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các hộ dân được hỗ trợ trực tiếp, được tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất. Trong 4 năm (2006-2009), giải ngân 2,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; năm 2010, trung ương bố trí 1,5 tỷ đồng đang triển khai thực hiện.

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn tổng vốn giao theo kế hoạch là 84,6 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương đầu tư là 24 tỷ đồng, ngân sách địa phương đầu tư 60,6 tỷ đồng; đã hoàn thành đưa vào sử dụng 54 phòng học, 03 chợ, 01 trạm y tế, 02 km thủy lợi, 34 cầu, cống và 485 km đường giao thông nông thôn, đạt 100% kế hoạch.

Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở nâng cao trình độ tổ chức quản lý thực hiện Chương trình 135: đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng nguồn vốn Trung ương giao là 1.350 triệu đồng đầu tư cho 5 xã biên giới huyện Giang Thành. Dự án do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện thụ hưởng chương trình tổ chức tập huấn được 49 lớp với 4.208 lượt người (thực hiện cho tất cả các xã, ấp thuộc chương trình của tỉnh). Qua đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao một bước về trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia quản lý và thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cơ sở, đã có một số xã làm chủ đầu tư dự án phát triển cơ sở hạ tầng; trình độ dân trí được nâng lên, người dân hiểu rõ hơn chính sách của Đảng, Nhà nước và nội dung Chương trình 135, tham gia thực hiện và giám sát các hoạt động của chương trình với chất lượng ngày càng cao hơn.

Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật: Về hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, năm học 2007-2008 hỗ trợ học sinh bán trú con hộ nghèo được 215 em, năm học 2009-2010 đã hỗ trợ 13.022 em; hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường số lượng theo kế hoạch là 7.335 hộ nghèo để xây dựng hố xí hợp vệ sinh và di dời chuồng trại với định mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.

Nhìn chung, việc thực hiện xóa đói giảm nghèo thông qua Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án khác tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn, bước đầu đã giải quyết cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội như hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt,... phục vụ phát triển sản xuất và giảm bớt khó khăn cho đời sống nhân dân vùng đặc biệt khó khăn. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển nhờ áp dụng giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên; nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp nhận được kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến, thay thế dần cho tập quán sản xuất cũ, hiệu quả kinh tế thấp. Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đã có bước chuyển biến tích cực, có đủ trường lớp cho học sinh học tập, các xã đều có trên 95% học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường, các huyện đều đạt phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Cơ sở y tế các xã thuộc chương trình được cải thiện đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở ngành có quan tâm huy động, bố trí các nguồn lực, chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình 135 giai đoạn II. Các địa phương đã tích cực tiếp nhận, tổ chức triển khai các chương trình, dự án với Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả tổng hợp, thiết thực. Trình độ, năng lực quản lý Chương trình 135 giai đoạn II của xã và ấp được nâng lên, từng bước đã có một số xã làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; năng lực của cộng đồng trong việc tham gia các hoạt động giám sát được cải thiện đáng kể. Tác động của Chương trình, dự án khác với Chương trình 135 giai đoạn II đã tạo ra nguồn lực tổng hợp trên địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Tuy nhiên, tập quán sản xuất của đồng bào chưa được thay đổi nhiều, phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường còn chậm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ và đồng bào dân tộc ở một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, chưa nổ lực vượt khó, vươn lên. Đa số các xã, ấp thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II tuy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một số xã còn cao. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này sẽ trở lại rất cao. Các nhiệm vụ của Chương trình chưa được triển khai đồng bộ: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cuối năm 2006 mới được Trung ương bố trí vốn, ngân sách tỉnh còn khó khăn nên không bố trí được; chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật năm 2008 mới bố trí vốn; hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường năm 2009 mới bố trí vốn thực hiện trong khi định mức hỗ trợ (1 triệu/hộ) được xây dựng từ đầu chương trình, đến nay tình hình trượt giá nên không thực hiện được; quy định hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học chưa phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long (học sinh bán trú, trước khi có Quyết định 101/2009/QĐ-TTg). Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở 5 xã biên giới chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho người dân, phương thức hỗ trợ phổ biến là hiện vật (con, cây giống), tổ chức thực hiện đơn giản, hiệu quả kinh tế không cao; tỷ lệ vốn dành cho xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nâng cao năng lực, phương pháp sản xuất mới cho đồng bào. Việc quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình 135, xây dựng kế hoạch chậm, do cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của mỗi chương trình, dự án khác nhau và do nhiều ngành phụ trách, nên việc lồng ghép rất khó thực hiện.

Ban kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ có chính sách để tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã, ấp đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2011-2015. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang bố trí vốn để triển khai các dự án, chính sách còn lại đối với 13 xã, 12 ấp do ngân sách tỉnh đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2010, đồng thời chú trọng công tác lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc, các dự án, chính sách khác trên địa bàn 18 xã, 12 ấp đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án giảm nghèo trên địa bàn xã thuộc Chương trình. Tháo gỡ kịp thời những khó khăn đối với các địa phương trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho hộ nghèo. Hướng dẫn thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình được Trung ương đầu tư; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình do ngân sách tỉnh đầu tư. Chỉ đạo các huyện, xã có Chương trình thực hiện tốt công tác điều tra, bình xét, thống kê, rà soát hộ nghèo. Việc phân loại hộ nghèo phải đồng thời với việc phân loại, xác định nguyên nhân nghèo để có chính sách hỗ trợ thích hợp; tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi diện nghèo. Tiếp tục thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao nhận thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Ngô Trung Nguyên
(Nguồn: Tạp chí Dân tộc)
[TT: T.V.T]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành