Giám sát tình hình thực hiện Chương trình 135 ở Quảng Ngãi

Để chương trình 135 giai đoạn II phát huy hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung đầu tư có trọng điểm, đặc biệt phát triển giao thông nông thôn đến từng thôn, xóm, làng, xã; làm tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn...

Từ ngày 5 đến 8/7, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã về giám sát tình hình thực hiện chương trình 135 giai đoạn II và hệ thống trường dân tộc nội trú trên địa bàn các huyện Minh Long, Trà Bồng.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2006 đến nay, tổng kinh phí phân bổ thực hiện chương trình 135 cho Quảng Ngãi là trên 136 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi từ 74,9% (năm 2006) xuống còn 57,5% (đầu năm 2008). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình này vẫn còn gặp một số hạn chế: tiến độ triển khai thực hiện hợp phần cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất còn chậm so với kế hoạch; huy động sự đóng góp từ các nguồn kinh phí khác để thực hiện chương trình 135 còn thấp…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Loan kiến nghị với Đoàn xem xét, tiếp tục cho phép thực hiện Chương trình Trung tâm cụm xã vùng cao đối với các trung tâm cụm xã đã được quy hoạch; công nhận xã Trà Nham (huyện Tây Trà) là xã thuộc chương trình 135; tăng kinh phí cho hợp phần phát triển hỗ trợ sản xuất để hỗ trợ cho những xã đặc biệt khó khăn vừa thoát khỏi chương trình 135…

Báo cáo về tổ chức và hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn tỉnh từ năm 2003-2010, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, hiện toàn tỉnh có 7 trường DTNT, trong đó có 1 trường THPT DTNT tỉnh và 6 trường THCS DTNT huyện ở 6 huyện miền núi. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đào tạo chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục ở các trường nội trú trong thời gian qua không ngừng được nâng cao; công tác hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, chất lượng học tập của các em học sinh dân tộc nội trú vẫn còn quá thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều.

Phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, ông Ksor Phước biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, đồng thời lưu ý, mục tiêu của chương trình 135 là xoá hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo, song tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi Quảng Ngãi vẫn ở mức cao, chiếm trên 57%.

Theo ông Ksor Phước, để chương trình 135 giai đoạn II phát huy hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung rà soát lại việc đầu tư chương trình 135 trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung đầu tư vào trọng điểm, đặc biệt phát triển giao thông nông thôn. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp lại các khu dân cư và các vùng có thế mạnh về cây trồng vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp...

Về hoạt động hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở Quảng Ngãi, ông Ksor Phước đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có sự quan tâm trong việc xây dựng, củng cố duy trì hoạt động các trường dân tộc nội trú; chú trọng chất lượng nuôi, dạy và học; quan tâm hỗ trợ học sinh bậc THPT là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho số học sinh cử tuyển. Tỉnh cũng cần có chính sách cụ thể trong công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; tập trung đầu tư mạnh mẽ hệ thống cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác giảng dạy và học tập tại các trường./.

TTXVN

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành