Hiệu quả các chính sách dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long
Sau quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn, đồng bào Khmer lại phấn khởi đón nhận Quyết định 74 của Chính phủ “Về một số Chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2008- 2010”.
Quyết định này bổ sung cho Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa một số chính sách đặc thù của khu vực.
Điểm sáng từ quyết định
Đồng chí Tăng Trung Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhờ có Quyết định 74 của Chính phủ mà đồng bào Khmer đã có thêm tư liệu sản xuất. Chỉ 1-2 năm nữa, những hộ đồng bào Khmer khó khăn được cấp đất sẽ thoát nghèo”. Anh Danh Hoàng Vu ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn được cấp đất sản xuất từ Quyết định 74 của Chính phủ cho biết: “Giữa năm 2009, tôi được cấp 1,5 công đất; được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đến nay, mỗi năm đất của tôi đã có thể làm được 2 vụ lúa, năng suất đạt từ 30-40 giạ/công. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn vì lần đầu tiên tôi có đất sản xuất”. Cũng như anh Vũ, hàng chục hộ được cấp đất sản xuất đều rất phấn khởi. Bà Trần Thị Sơn, ở ấp Tắt Gồng cho biết: “Khi được Nhà nước giao đất, tôi mừng cả đêm không ngủ được. Nếu không được hỗ trợ, cả đời tôi cũng không mua nổi 1 công đất. Tôi quyết tâm lao động để thoát nghèo”.
Đồng chí Tăng Trung Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết thêm: “Thực hiện Quyết định 74 của Chính phủ, địa phương đã giao đất cho 80 hộ Khmer nghèo tại các ấp Pho No Cam Bót, Trà Bết và Cần Giờ 1, mỗi hộ được nhận 1,5 công đất. Nhà nước hỗ trợ thêm giống, phân bón, 45 kg gạo... trong 3 tháng để đảm bảo cho người dân sản xuất vụ lúa đầu tiên. Việc hỗ trợ đất sản xuất cho những hộ nghèo mang lại hiệu quả KT-XH rất lớn, giúp họ có tư liệu sản xuất. Để thực hiện tốt việc này, địa phương đã vận động những hộ dân có nhiều đất sang nhượng lại với giá hợp lý để hỗ trợ cho hộ nghèo hay mua đất ở những vùng đất mới, rồi Nhà nước sẽ đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo cho người dân làm lúa 2-3 vụ/năm”.
Qua 2 năm triển khai, hầu hết các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer tại ĐBSCL đã cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định 74 bằng các chương trình dự án. Tuy có gặp khó khăn về quỹ đất nhưng với quyết tâm giúp đồng bào lạc nghiệp, các địa phương đã lồng ghép với nhiều chương trình, dự án khác để Quyết định 74 thật sự là động lực giúp đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống.
UBND tỉnh An Giang đã cụ thể hóa bằng Đề án 25 về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Đến nay, tỉnh đã cấp đất cho 1.033 hộ, mở lớp dạy nghề cho 44.375 học viên, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.634 hộ, hỗ trợ mua máy móc nông cụ 119 hộ và đưa 362 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 40 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Năm 2009, thực hiện Quyết định 74 , tỉnh đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để cấp đất ở cho 343 hộ, đất sản xuất cho 691 hộ, chuyển đổi nghề cho 1.165 lao động và giải quyết việc làm cho hơn 1.618 lao động. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ mua nông cụ, máy móc... cho 483 hộ”. Các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, TP.Cần Thơ... cũng đang triển khai thực hiện Quyết định 74 giúp đồng bào Khmer có thêm điều kiện để xây dựng cuộc sống ấm no, bền vững.
Hiệu quả của những chính sách
Hơn một thập kỷ thực hiện chính sách dân tộc, KT-XH vùng đồng bào Khmer tại ĐBSCL tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương giảm bình quân 3-4%/năm, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 80%, hộ có nước sạch sử dụng đạt trên 90%. Hầu hết các hộ Khmer nghèo bức xúc về nhà ở đều được hỗ trợ nhà ở, có nơi đạt gần 100%.
Đồng chí Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: “Việc thực hiện chính sách dân tộc đã tạo sự chuyển biến toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer: hạ tầng kinh tế - xã hội đã có bước phát triển, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; không còn hộ đói, trên 80% hộ có phương tiện nghe, nhìn và đi lại; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2006 xuống còn 28% vào cuối năm 2009”.
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị vùng đồng bào Khmer từng bước được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc Khmer ngày càng tăng đã giúp cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer được giữ vững. Công trình giáo dục được quan tâm đầu tư đúng mức đã giúp nâng cao dân trí, đào tạo được ngày càng nhiều nhân tài. Hiện nay, toàn vùng có khoảng 240.000 học sinh Khmer ở các cấp học; tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt trên 90%.
Đồng chí Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: “Qua quá trình thực hiện chính sách dân tộc, các địa phương đã vận dụng khá linh hoạt để đạt được kết quả tốt nhất. Đồng bào Khmer đã nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại là một kết quả to lớn nhất trong thực hiện chính sách dân tộc tại ĐBSCL. Năm 2010, Uỷ ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện tốt Chương trình 135 giai đoạn 2, Quyết định 74, chính sách định canh, định cư theo Quyết định 33... Đây là các chương trình gắn với phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn. Các địa phương và Trung ương sẽ tập trung vốn, nhân lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào Khmer”.
Quỳnh Lam
Theo Báo Dân tộc và Phát triển
[TT: N.T.P]