Hội nghị tập huấn văn bản quản lý hướng dẫn thực hiện CT135 giai đoạn II năm 2009 và triển khai xây dựng chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc
Tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 20-22/7/2009, Uỷ ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị tập huấn văn bản quản lý hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II năm 2009 và triển khai xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011-2015; tham dự hội nghị có các bộ, ngành ở Trung ương, các vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban và 13 tỉnh khu vực phía Bắc (trong đó có các huyện trực thuộc tỉnh và một số xã tiêu biểu), tổng số có 340 đại biểu tham dự hội nghị; đồng chí Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hà Hùng nêu lên những thành tựu đạt được của Chương trình 135 đó là chương trình hiệu quả nhất, ít thất thoát nhất, được đồng bào tham gia ủng hộ cao nhất và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đồng thời đồng chí Phó Chủ nhiệm lưu ý những việc cả Trung ương và các tỉnh, huyện, xã cần quan tâm thực hiện, đó là khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 135 giai đoạn II, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2009, trên cơ sở đó rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá kết quả đạt được cần rút kinh nghiệm để phấn đấu đến năm 2010 các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đều hoàn thành. Tại hội nghị này, Uỷ ban Dân tộc đã nêu ra định hướng nội dung xây dựng Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi nghèo giai đoạn 2011-2015 để các tỉnh, huyện, xã tham khảo vận dụng vào việc xây dựng kế hoạch của địa phương. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Hà Hùng nêu lên một số điểm cần chú ý trong xây dựng chương trình cần tránh sự manh mún, phân tán mà phải xây dựng tập trung, đồng bộ, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn theo hướng sản xuất hàng hoá. Do vậy sự phối hợp chặt chẽ giữa các huyện, các xã, các hộ gia đình là hết sức cần thiết, tạo ra sự thống nhất trong việc lựa chọn cây, con phù hợp với đất đai, khí hậu thời tiết và tập quán sản xuất của đồng bào để hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn với những cây, con chủ đạo, trên cơ sở đó mới xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững. Trong văn bản hướng dẫn Uỷ ban Dân tộc nêu lên định hướng mục tiêu tổng quát giai đoạn 2011-2015 là tạo sự chuyển hoá nhanh về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có thu nhập cao; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm tốc độ chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.
Sau khi nghe phổ biến các văn bản, thông tư sửa đổi, bổ sung Quyết định số 04/2007/QĐ-UBDT về ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ xã và cộng đồng, Thông tư số 12/2009/TT-BNN hướng dẫn thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh nghiệm về công tác dân tộc, các đại biểu tham gia hội nghị đã phát biểu ý kiến. Đồng chí Phạm Văn Lân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã nêu lên kinh nghiệm tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở Quảng Ninh trong việc tăng cường nguồn lực từ ngân sách của tỉnh đầu tư cho chương trình, nâng mức đầu tư cao gấp đôi theo định mức của Trung ương, do vậy tạo ra nguồn vốn lớn để thực hiện nhiệm vụ của chương trình. Đồng chí Bùi Công Thành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên lại có cách nhìn nhận từ góc độ quản lý cần chấm dứt tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Nhà nước cần tạo ra cơ chế để người dân vươn lên thoát nghèo. Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tâm sự với chúng tôi, những đợt tập huấn như thế này là sự cần thiết, nhưng với cấp xã nên kết hợp giữa việc hướng dẫn lý thuyết với việc thực hành cụ thể thì sẽ có hiệu quả hơn vì trình độ của lãnh đạo cấp xã còn yếu nên có những việc phải “cầm tay chỉ việc” thì mới làm tốt. Nếu như chỉ có hướng dẫn bằng các văn bản mà không tập huấn các bước triển khai thực hiện thì rất lúng túng, có khi còn sai sót.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Văn Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 cho biết thêm: Đây là Hội nghị rất quan trọng không chỉ quán triệt tinh thần khẩn trương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 135 giai đoạn II mà còn nêu ra định hướng xây dựng chương trình phát triển kinh tế-xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi nghèo giai đoạn 2011-2015, đồng thời phải giữ đúng các cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ. Do vậy tiếp theo hội nghị này, sẽ tổ chức 3 hội nghị nữa ở khu vực Bắc miền Trung (Hà Tĩnh), Nam miền Trung và Tây Nguyên (Khánh Hoà) và miền Nam (Cà Mau), nhằm tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động thống nhất, kịp thời, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong những năm tiếp theo.
Lê Vui
(Nguồn: Theo Bản tin Chương trình 135 - Số 7/2009)
[TT: H.T.N]