Hội thảo đánh giá tác động của Trang thông tin Chương trình 135 đối với các cơ quan, cá nhân hoạt động trong Chương trình 135 các cấp tại tỉnh Đắc Lắc
Hội thảo đánh giá tác động của Trang thông tin Chương trình 135 đối với các cơ quan, cá nhân hoạt động trong Chương trình 135 các cấp tại tỉnh Cao Bằng; ngày 13/08/2010, Trung tâm Thông tin, ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc tổ chức Hội thảo tại tỉnh đắc Lắc. Tham dự Hội thảo, về phía ủy ban Dân tộc có các đồng chí Lãnh đạo, chuyên viên Trung tâm Thông tin, Vụ Địa phương II; Về phía địa phương có đại diện của Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Kho bạc Tỉnh. Đồng chí Cao Cự Tú, Giám đốc Trung tâm Thông tin; đồng chí Ama Phong, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc, đồng chí Nguyễn Xuân Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương II đồng chủ trì Hội thảo.
Qua 2 năm hoạt động chính thức (từ tháng 7/2008 đến tháng 7/2010), Trang thông tin Chương trình 135 (Website Chương trình 135) đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư nguồn lực của trong nước và quốc tế; hiện tại đã có 235.000 lượt người truy cập website đến từ 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 55% là người truy cập mới. Đóng vai trò là một kênh truyền thông hiệu quả về Chương trình 135 giai đoạn II; Website Chương trình 135 đã cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan đến Chương trình 135 củaTrung ương và một số địa phương; cập nhật thông tin về quá trình, kết quả triển khai Chương trình 135 tại các địa phương; tạo một diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các đối tượng tham gia quản lý, thụ hưởng Chương trình 135. Tuy nhiên do cung cấp thông tin chính sách chính thống nên thông tin khá khô khan và chỉ những đối tượng liên quan hoặc quan tâm tới Chương trình 135 mới quan tâm truy cập website.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo đánh giá tác động thông tin của Website Chương trình 135. Ông Nguyễn Xuân Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương II đánh giá hình thức, nội dung của Website Chương trình 135 được tổ chức tốt; tuy nhiên, trong góc độ nào đó thì sự trao đổi thông tin giữa Trung ương với địa phương, địa phương với địa phương thông qua Website Chương trình 135 còn yếu, thông tin 2 chiều bị hạn chế và cần tăng cường ở thời gian tới. Ngoài ra, Website Chương trình 135 cũng phải tự quảng bá về chính mình để nhiều người hơn nữa biết đến; Trung tâm Thông tin có nên tổ chức tập huấn cách khai thác thông tin Website Chương trình 135; đối tượng tập huấn tập trung vào đối tượng cấp tỉnh, sau đó tỉnh tập huấn cho huyện, xã.
Về việc thực hiện Quyết định số 04/2008/QĐ-UBDT ngày 08/8/2008 của Uỷ ban Dân tộc về việc Ban hành Quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo Chương trình 135 giai đoạn II (QĐ04), ông Ama Phong, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc khẳng định chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bằng việc triển khai các mẫu biểu báo cáo bằng phần mềm AMT/PMT là tốt; mặc dù các cơ quan thường trực Chương trình 135 cấp huyện, tỉnh đã được trang bị máy tính nhưng do thiếu hệ thống ngành dọc cấp huyện, các cán bộ Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện không nắm được nội dung QĐ 04 cũng như phần mềm AMT/PMT nên không thể triển khai báo cáo bằng phần mềm được. Nguyên nhân chủ yếu là sau khi giải thể Phòng Dân tộc thì cán bộ xáo trộn, các cán bộ đã được tập huấn sau khi giải thể Phòng Dân tộc thì phần nhiều không tham gia làm công tác dân tộc ở Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện.
Thảo luận về mẫu biểu báo cáo và quy chế báo cáo theo QĐ 04, ông Trần Anh Anh, Phó trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho rằng mẫu báo cáo cần đơn giản hơn do chỉ các đồng chí nào biết về công nghệ thông tin tốt mới sử dụng tốt phần mềm báo cáo. Ngoài ra cũng cần cơ chế ràng buộc về trách nhiệm xử phạt không báo cáo vì quy định xử phạt chế độ báo cáo của QĐ 04 hiện không cụ thể. Bổ sung ý kiến của ông Trần Anh Anh, ông Nguyễn Xuân Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương II đề xuất trong thời gian tới, ít nhất là ở cấp huyện thụ hưởng Chương trình 135 sẽ phải cam kết về việc có ít nhất 01 cán bộ làm công tác báo cáo về Chương trình 135 ổn định trong 05 năm, cán bộ đó phải thực hiện chế độ báo cáo theo quy định và coi đây như là một điều kiện để giải ngân Chương trình 135 hàng năm cho huyện đó.
Thảo luận về nội dung đào tạo điện tử, ông Nguyễn Như Quyền, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho rằng nếu triển khai được sẽ rất tốt; ngoài việc phát trên mạng thì có thể chuyển sang băng chiếu thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc triển khai các bài giảng điện tử tập huấn về Chương trình 135 phụ thuộc vào Chương trình khung đào tạo của ủy ban Dân tộc nên trong giai đoạn tới, để triển khai được nội dung đào tạo điện tử thì ngoài vấn đề kinh phí, các Vụ, đơn vị liên quan của ủy ban Dân tộc phải sớm xây dựng và ban hành Chương trình khung đào tạo.
Hội thảo đánh giá tác động của Website Chương trình 135 đối với các cơ quan, cá nhân hoạt động trong Chương trình 135 các cấp sẽ tiếp tục được tổ chức tại Cần Thơ trong thời gian tới. Sau các Hội thảo tại các khu vực, Trung tâm Thông tin sẽ tổng hợp kết quả báo cáo Lãnh đạo ủy ban để định hướng công tác truyền thông điện tử của Chương trình 135 và hoạt động ứng dụng công nghệ thông tiin trong quản lý Chương trình 135 trong giai đoạn tới.
BBT
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 8/2010)
[TT: H.T.N]