Hội thảo xây dựng chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và kết luận tại Hội nghị Tổng kết Chương trình 134 và Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, trong hai ngày 15và 16/7/2009 tại thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo-Vĩnh Phúc) Uỷ ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015. Dự hội thảo có gần 50 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành hữu quan; các nhà quản lý; nhà khoa học; các nhà tài trợ quốc tế: Ai Len, Phần Lan, Thụy Sĩ; các tổ chức UNICEF, UNDP, WB, EC.
Tiến sĩ Trần Văn Thuật-Vụ trưởng Vụ chính sách Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc khai mạc và chủ trì hội nghị. Các đại biểu trong hội thảo đã được nghe các báo cáo tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học trình bày tập trung vào các nội dung: Giới thiệu về kế hoạch chi tiết xây dựng chương trình, báo cáo về kết quả rà soát chính sách dân tộc; những phát hiện chính trong báo cáo nghiên cứu giữa kỳ Chương trình 135 giai đoạn II; một số thách thức của xoá đói giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số Việt Nam; việc tiếp cận văn hoá nhân học cho xoá đói giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam… Đan xen sau mỗi tham luận là phần trả lời chất vấn trực tiếp vào những vấn đề mà các đại biểu dự hội thảo quan tâm. Chiều cùng ngày toàn thể đại biểu làm việc theo sự phân công, tập trung thảo luận về hai chủ đề: “Cơ hội và thách thức đối với khu vực dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam giai đoạn sau 2010” và “Những vấn đề bức xúc và ưu tiên giải quyết giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2020”. Qua thảo luận và tổng hợp của nhóm thư ký hướng dẫn đã có nhiều điểm tương đồng có nhiều cái mới trong cách tiếp cận… Qua thảo luận đã cho thấy đó là yếu tố về con người, và nguồn lực đầu tư chưa tương xứng; tính ỷ lại và rào cản trong phong tục tập quán còn tồn tại trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi... Đồng thời chỉ ra những vấn đề bức xúc và ưu tiên cho giai đoạn 2011- 2015. Từ đó đưa ra những giải pháp khuyến khích người dân vươn lên xoá đói giảm nghèo. Hội nghị đã nghe Tiến sĩ Đặng Kim Chung trình bày tham luận “ Vai trò của An sinh xã hội đối với giảm nghèo trong tương lai” mà mục tiêu chung là đảm bảo điều kiện sống của người dân theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Tổng hợp những nội dung thảo luận và các giải pháp của các nhóm, hội thảo đã thống nhất lồng ghép các chương trình, chống chồng chéo, phát huy tối đa các nguồn lực. Uỷ ban Dân tộc đóng vai trò thiết kế, theo dõi, đánh giá đặc biệt phát huy hơn nữa vai trò điều phối. Các bộ ngành hữu quan, các địa phương thuộc chương trình, các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể; các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế quan tâm cho chương trình cùng theo dõi đánh giá và tham gia với các phương pháp phù hợp. Với vai trò trách nhiệm của mình, Uỷ ban dân tộc tiến hành tổ chức cuộc hội thảo để cùng nhau thảo luận khởi động xây dựng chương trình. Đây thực sự là những thông tin đầu vào cần thiết xác định các vấn đề liên quan bức xúc, đề ra những giải pháp cùng phương pháp tiếp cận. Các vấn đề bức xúc hiện nay tập trung liên quan đến điều kiện ăn ở, phát triển sản xuất, hạ tầng cơ sở, năng lực và đội ngũ cán bộ cơ sở và trình độ dân trí... và cách tiếp cận giải quyết tính cấp bách về biến đổi khí hậu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng… Hội thảo đã thảo luận, đề ra khung chương trình. Để khẳng định tính đúng đắn và khả thi của chương trình, Uỷ ban Dân tộc rất muốn tham khảo các ý kiến đồng thuận và cả những ý kiến trái chiều trên cơ sở dân chủ trách nhiệm để xây dựng chương trình ưu việt nhất. Ông Trần Văn Thuật nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi vùng sâu vùng xa, biên giới là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Thực hiện chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, những năm qua đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, giữa các dân tộc. Chương trình 135 giai đoạn I và II đã thu được nhiều thành quả quan trọng được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Ngoài hệ thống chính sách chung cho cả nước, khu vực dân tộc thiểu số được ưu tiên thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù rõ ràng nên hội thảo lần này và những lần tiếp theo cần tập trung trí tuệ để thiết kế chương trình đặc thù ngoài những chương trình mục tiêu chung. Trong quá trình thiết kế chương trình có sự kế thừa, có cách làm riêng, không dập khuôn máy móc trong tư tưởng chỉ đạo thiết kế chương trình lần này cần kế thừa những kinh nghiệm quý báu của chương trình 135: Dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng; phân cấp mạnh cho cơ sở; đặc biệt là sự tham gia của người dân. Thảo luận xây dựng Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015 lần này cần phải chú trọng đến việc tiếp cận nhân học văn hoá trong xoá đói giảm nghèo đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam để đảm bảo phát triển và bảo tồn văn hoá dân tộc, đồng thời còn chú trọng đến văn hoá khu vực, vùng miền. Phạm vi, đối tượng, cơ chế đã xác định dứt khoát phải tác động đến người nghèo, hộ nghèo (kể cả hộ người Kinh) ở vùng dân tộc thiểu số đảm bảo tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung hỗ trợ đã được xác định: Hạ tầng cơ sở phải tiếp tục được phát triển; sinh kế bền vững liên quan đến: hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, lưu thông thị trường, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ xã thôn bản, cải thiện dịch vụ xã hội, quan tâm hơn nữa đến các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số còn rất ít người.
Mục đích chính trong xây dựng Chương trình được xác định: không trùng lặp, nếu có thì cũng là tăng tác dụng trong xoá đói giảm nghèo bền vững. Ban nghiên cứu xây dựng Chương trình Phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn rất trân trọng ý kiến của các vị đại biểu, mong muốn và hy vọng tiếp tục nhận được sự chia sẻ hợp tác của quý vị đại biểu trong thời gian tới.
Bình Minh
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 7/2009)
[TT: H.T.N]