Muốn định canh định cư tốt phải quan tâm đến điều kiện sống, sản xuất của dân

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã gặp phải không ít khó khăn. Để giúp bà con có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hà Hùng. Ông Hùng cho biết

Thực hiện chính sách định canh định cư của Chính phủ, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai và xây dựng các dự án cụ thể cho từng đối tượng, như thành lập các bản làng, buôn làng mới, đồng thời thực hiện định canh định cư xen ghép vào từng buôn làng.

Tính đến ngày 31/12/2009, cả nước đã thực hiện định canh định cư cho gần 6.000 hộ với khoảng 15.000 khẩu, đạt 31% kế hoạch. Nhờ đó, đồng bào có thể ổn định cuộc sống, tỷ lệ đói nghèo giảm. Đồng bào đã được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, trẻ em được đến trường, chăm sóc sức khỏe...

Để bà con từ bỏ tập quán sinh hoạt không phải dễ, vậy trong quá trình thực hiện, ngành chức năng gặp những vướng mắc gì, thưa ông?

Có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách định canh định cư như việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa chặt chẽ, chưa có sự tập trung, thống nhất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác điều tra, rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách còn thiếu chính xác, kết quả thực hiện dự án di dân, định canh định cư chậm, chưa đảm bảo tiến độ và nhu cầu.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, giúp bà con phát triển sản xuất. Thực tế cho thấy, dù đã vận động được người dân định canh định cư nhưng hệ thống hạ tầng, điều kiện sản xuất không đảm bảo thì bà con vẫn bỏ đi nơi khác.

Được biết địa bàn thụ hưởng chính sách định canh định cư có cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Theo thống kê, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.600 hộ người Khmer và ê Đê có tập quán du canh du cư, chủ yếu tập trung ở 4 tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang và Cà Mau. Các hộ gia đình sinh sống trên thuyền cuộc sống nay đây mai đó, săn bắn động vật trong rừng để kiếm sống; chặt phá rừng làm nương rẫy nên thu nhập thấp và đời sống của họ hết sức khó khăn. Người dân ít được hưởng thụ các dịch vụ an sinh xã hội; công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu cũng có nhiều bất cập.

Đồng bào Khmer trước đây không có phương thức du canh du cư; nhưng do cuộc sống quá đói nghèo, không có đất ở, đất sản xuất nên họ phải làm vậy.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về chăm lo đời sống, ổn định nơi ở và sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc ở diện trên nên mới bổ sung thêm 4 tỉnh trên vào danh sách các tỉnh thụ hưởng chính sách định canh định cư.

Thưa ông, thời gian tới cần phải thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo hoàn thành công tác định canh định cư theo kế hoạch đã đề ra?

Để hoàn thành nhiệm vụ, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành, địa phương. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề bây giờ là phải tiếp tục tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào để thực hiện thành công công tác định canh định cư. Theo đó, cần đầu tư dứt điểm từng dự án để đưa đồng bào về ổn định sản xuất và đời sống; ưu tiên thực hiện các dự án định canh định cư xen ghép. Ngoài ra, cần làm tốt công tác rà soát đối tượng được thụ hưởng, các điều kiện khác của dự án như quỹ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt để đảm bảo cho các hộ có điều kiện phát triển sản xuất đảm bảo dự án có hiệu quả thiết thực và bền vững.

Hàng năm Chính phủ nên bố trí ưu tiên đủ nguồn vốn để thực hiện chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Nga
(Nguồn: kinhtenongthon.com)

[TT: H.T.N]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành