Ông Nguyễn Khoa Lai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai:
Đối với Gia Lai, Chương trình (CT) 135 giai đoạn II được đánh giá là CT lớn và hiệu quả nhất của Chính phủ dành cho đồng bào. Để tìm hiểu việc triển khai, thực hiện CT tại Gia Lai, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Khoa Lai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh xoay quanh các nội dung đầu tư của CT này.
PV: Thưa ông, Gia Lai là một trong những tỉnh có nhiều xã được thụ hưởng CT 135 nhất cả nước, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của CT này đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh?
Ông Nguyễn Khoa Lai: Đến Gia Lai các bạn có thể thấy sự đổi thay đáng mừng của hàng vạn hộ đồng bào tại các buôn làng thông qua sự đầu tư của CT 135. Kể từ khi thực hiện CT, trung bình mỗi năm 68 xã ĐBKK của tỉnh Gia Lai được đầu tư 79 tỉ đồng và 245 làng ĐBKK thuộc xã vùng II được đầu tư 48 tỉ đồng. CT 135 giai đoạn II đã làm cho vùng sâu có nhiều thay đổi rõ nét, tác động lớn đến đời sống đồng bào DTTS cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Đối với giáo dục, CT đã xây mới 127 phòng học kiên cố phục vụ cho hơn 5 nghìn học sinh vùng sâu, vùng xa. Có trường, lớp học kiên cố, trang thiết bị phục vụ dạy và học đồng bộ, thu hút trên 90% số học sinh trong độ tuổi đến trường. Về giao thông nông thôn đã xây dựng được 152,8 km đường bê tông, 12 cầu tràn, 301 cống. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có đường giao thông thuận lợi đi đến trung tâm xã. Giao thông đi lại thuận tiện giúp cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế trong vùng ngày càng nâng lên.
PV: Riêng với hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất - một hợp phần được đầu tư đến tận hộ đồng bào, Gia Lai đã triển khai hợp phần này ra sao để phát huy hiệu quả kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào?
Ông Nguyễn Khoa Lai: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có tác động rất lớn đến đại bộ phận đồng bào DTTS. Hợp phần này chúng tôi thực hiện lồng ghép với nhiều CT, dự án hỗ trợ khác để tăng nguồn vốn. Hơn nữa, Gia Lai còn xây dựng lộ trình giảm nghèo trong đó có các xã 135. Lộ trình này sẽ lấy đồng bào các xã 135 làm đối tượng tác động. Qua đó, chúng tôi đã tập trung xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng và chuyển giao đến tận hộ đồng bào. Nhờ đó đến nay, kinh tế vườn hộ phát triển; phong trào trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su... trở thành tiền đề để bà con xoá đói giảm nghèo.
Trong chăn nuôi nhiều hộ đồng bào DTTS đã chuyển dần tập quán từ thả rông sang chăn nuôi quy mô chuồng trại; một số hộ còn làm dịch vụ kỹ thuật lai tạo giống cho đàn gia súc ở địa phương, góp phần chuyển biến dần ngành chăn nuôi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa mang lại thu nhập cao cho gia đình. Từ những cách làm đồng bộ đó, Gia Lai đã cơ bản giải quyết xong nạn đói giáp hạt ở tất cả các xã 135.
PV: Để 4 hợp phần được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, Ban Dân tộc Gia Lai có tham mưu, đề xuất gì tới Ban Chỉ đạo CT 135 của tỉnh?
Ông Nguyễn Khoa Lai: Có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện CT 135 ở Gia Lai như: Trình độ dân trí của bà con cũng như cán bộ một số xã 135 còn thấp nên khả năng tiếp thu về thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Chính vì vậy, số xã được giao làm chủ đầu tư CT mới đạt trên 30 xã...
Để CT 135 triển khai hiệu quả, chúng tôi đề xuất, các nguồn lực cần được đầu tư tập trung cho hộ nghèo. Đối với một xã 135, ngoài vốn 135 thì các nguồn vốn xoá đói giảm nghèo, vốn đào tạo, hỗ trợ việc làm... là bao nhiêu để lồng ghép các nguồn vốn, giúp người nghèo có đủ lực thoát nghèo. Hơn nữa, khi thực hiện hỗ trợ sản xuất thì tỉnh phải đảm bảo “đầu ra” tức là nơi tiêu thụ ổn định cho bà con để bà con yên tâm làm ăn. Trong quá trình thực hiện CT tại một tỉnh có đông đồng bào dân tộc như Gia Lai, chúng tôi cho rằng, việc tôn trọng phong tục, tập quán truyền thống cũng như khả năng của đồng bào là hết sức quan trọng. Có như vậy, cả 4 hợp phần CT 135 mới phát huy hết ý nghĩa và hiệu quả đầu tư tại vùng đồng bào.
PV: Xin cám ơn ông!
Ngọc Thuý (thực hiện)
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 51/2009)
[TT: H.T.N]