Quan Hóa: Phân cấp cho xã làm chủ đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn II

Quán Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Trong đó 18 xã, thị trấn của huyện có 12 xã đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Chương trình 135, từ chất lượng đội ngũ cán bộ ở các xã hầu hết có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, nhiều người đã qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do huyện tổ chức, đó là cơ sở để huyện mạnh dạn chủ động phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư chương trình. Bên cạnh đó huyện đã coi trọng và làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ, quản lý, điều hành, chỉ đạo các xã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện chương trình, công khai nguồn vốn đầu tư hàng năm cho các xã để dân biết, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong đồng bào về lợi ích thiết thực và tầm quan trọng của chưong trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo động lực quan trọng để đồng bào vươn lên thoát nghèo, từ đó huy động sức mạnh tiềm năng của người dân tham gia hưởng ứng thực hiện chương trình từ khâu lựa chọn thứ tự ưu tiên công trình đến việc giám sát thi công và đưa vào sử dụng.

Vào giai đoạn II của Chương trình 135, xã Phú Xuân được Ủy ban nhân dân huyện giao làm chủ đầu tư với kinh phí được đầu tư là 1,7 tỷ đồng, xã tập trung vào việc làm cầu và đường giao thông liên thôn.

Chủ tịch xã, ông Hà Minh Chức cởi mở: Biết kiến thức về xây dựng công trình giao thông của cán bộ xã hạn chế, huyện đã tổ chức tập huấn. Tôi được đi tập huấn 2 lần, các bạn ngành, đoàn thể cũng được đi tập huấn. Được giao làm chủ đầu tư, những năm đầu lúng túng lắm. Nhưng nhiều năm thực hiện đến nay chung tôi thấy dễ hơn. Mình cứ nắm chắc văn bản hướng dẫn của trên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng cái chính phải có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phải nghiêm túc. Ví như việc giám sát kỹ thuật thi công, đoạn nào trong thiết kế không đảm bảo chất lượng là phải có ý kiến kiến nghị với nhà thầu xử lý lại, nên các công trình đều đảm bảo chất lượng.

Ông Hà Văn Thống, thôn Vạn Phé đưa chúng tôi đi thăm con đường liên thôn vừa mới hoàn thành, ông cho biết: Trước đây đường về thôn chỉ là lối mòn, đi lại rất khó khăn, dân trong thôn nuôi được con gà, con lợn, trồng được mớ rau đem bán cũng khó, còn có bán thì giá rẻ, chẳng được là bao. Khi có chủ trương làm đường về thôn ai cũng nhất trí. Tuyến đường đi qua, người dân tình nguyện hiến đất và tham gia ngày công lao động để mở đường. Kể từ ngày có đường, đời sống của bà con được cải thiện, trẻ em đến trường thuận tiện hơn, đồng bào được chăm sóc sức khỏe chu đáo; nông sản của người dân làm ra đã được tư thương vào tận nơi thu mua, đặc biệt là việc vận chuyển cây luồng đi tiêu thụ. Con đường được mở đã là con đường mang lại ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Cấp xã làm chủ đầu tư đã trực tiếp năng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp cơ sở. Chủ đầu tư biết lo từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến khi thanh quyết toán. Tuy vậy cũng còn một số xã năng lực cán bộ chưa đáp ứng được với đòi hỏi làm chủ đầu tư nên quá trình thực hiện không tránh khỏi chậm chạp về tiến độ và quyết toán. Những khó khăn này cũng là thực tế chung của nhiều địa phương.

Theo Nguyễn Kim Nhung
(Chương trình 135)

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành