Tăng cường giám sát chương trình 135 tại huyện Mù Căng Chải

Chương trình 135 thực hiện ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) qua 10 năm đã giúp địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 2009, Hội đồng nhân dân huyện tiến hành nhiều cuộc giám sát về: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng; thực hiện các mô hình sản xuất và chăn nuôi; hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng...

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng, năm 2008, huyện được cấp kinh phí là 706 triệu đồng. Ban Quản lý dự án huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 19 lớp với 1.012 người tham gia học tập.

Nhìn chung, các đối tượng tham gia dự án về cơ bản đã được trang bị, bổ sung một số kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ như: Nâng cao nhận thức pháp luật; quản lý đầu tư xây dựng; kỹ năng quản lý, điều hành; cơ chế quản lý; tổ chức giám sát thực hiện các dự án thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, các đối tượng người học là cộng đồng dân cư còn được trang bị những hiểu biết cơ bản về các chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước, về vay vốn phát triển sản xuất… giúp vận dụng kiến thức vào quá trình thực hiện sản xuất, phát triển ở địa phương cũng như chính gia đình họ.

Thực hiện các mô hình sản xuất và chăn nuôi đã tiến hành giám sát tại 5 xã: Cao Phạ, Púng Luông, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lao Chải. Cơ bản các mô hình đã triển khai đúng tiến độ, một số mô hình phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và được nhiều người ủng hộ như mô hình ở xã La Pán Tẩn.

Qua thực hiện cũng bộc lộ hạn chế cần khắc phục như: Chương trình triển khai chưa được bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, chính quyền cơ sở về việc lựa chọn các đối tượng tham gia; công tác chỉ đạo, kiểm tra cũng như nghiệm thu chưa kịp thời, thiếu phối hợp với xã trong triển khai thực hiện các mô hình.

Vì vậy, kết quả các mô hình đạt thấp như: Mô hình trồng mây nếp, tre măng Bát Độ do độ ẩm không bảo đảm, do chuột phá hoại nên đã chết hết; mô hình nuôi gà đen do không quan tâm đến dịch bệnh nên không thành công; mô hình nuôi dê bán chăn thả ở xã Cao Phạ có 10 hộ tham gia thì chỉ còn 5 hộ tiếp tục thực hiện nhưng dê chưa sinh sản; mô hình chăn nuôi bò có đông số hộ tham gia song vẫn còn tình trạng bò chết và phát triển kém…

Riêng thực hiện hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới quốc gia năm 2008 đã thực hiện hỗ trợ cho 3.409 hộ, các xã đã nhận đủ kinh phí hỗ trợ từ Phòng Tài chính - Kế hoạch và phát đến các hộ thụ hưởng.

Thường trực Hội đồng nhân dân huyện cũng đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn được thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi đánh giá kết quả để mô hình nào phù hợp thì tiếp tục nhân rộng, mô hình nào không phù hợp và kém hiệu quả thì ngừng đầu tư. Việc thực hiện phải đúng quy trình đảm bảo quy chế dân chủ bàn bạc thống nhất tới triển khai đầu tư và nghiệm thu.

Đồng thời phải xử lý các đối tượng được hưởng thụ các mô hình sản xuất, chăn nuôi chưa quan tâm chăm sóc, bảo vệ dẫn đến để chết hoặc bán. Thường trực Hội đồng nhân dân còn đề nghị các ban của Hội đồng nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân các xã tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát để giúp các xã làm tốt việc sử dụng nguồn vốn của Chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian thực hiện giai đoạn II.

Thế Quỳnh

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành