Tập trung giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cao

Từ năm 1990, tỉnh ta tập trung lồng ghép các nguồn vốn các chương trình: mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), 135, 134, 120, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và nhân dân các vùng hưởng lợi tham gia đóng góp đầu tư xây dựng các công trình nươc sinh hoạt cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng cao. Đến nay, đã có hơn 82% dân số nông thôn được đầu tư cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Đối với vùng cao thiếu nước sinh hoạt, địa hình thường là núi đá vôi cao rất nhiều so với mực nước biển, khả năng giữ nước mặt kém nên vào mùa khô thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước ở các vùng này ngoài nước mưa gần như không có các nguồn nước mặt chảy thường xuyên nào khác, vào mùa mưa thường có các nguồn nước xuất lộ trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tháng.

Tại vùng Lục Khu (Hà Quảng) đến hết năm 2008, mức trữ để cấp nước chỉ đạt 24 lít/người/ngày đêm trong 6 tháng, còn vùng khác khoảng 15 lít/người/ngày đêm trong 3 tháng. Nhân dân các vùng này sử dụng nước hết sức tiết kiệm dẫn đến không hợp vệ sinh, vì vậy lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển con người. Cuối năm 1998, trên địa bàn tỉnh xảy ra hạn hán nặng, riêng vùng Lục Khu, các nơi trữ nước từ bể gia đình đến bể hốc đá khô sạch không có nước, UBND tỉnh huy động xe téc để chở nước ăn cho đồng bào. Để giám bớt tình trạng thiếu nước sinh hoạt, năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Cấp nước sinh hoạt vùng Lục Khu và vùng cao các huyện Trà Lĩnh, Hoà An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm với mục tiêu cấp nước sinh hoạt với mức 45 lít/người/ngày đêm cho hơn 27.000 người. Sau 3 năm (2009 - 2011), triển khai được hơn 2/3 khối lượng của vùng Lục Khu, với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, xây lắp hoàn thành và đưa vào sử dụng 14 hồ vải địa kỹ thuật (tổng dung tích chứa nước 36.741 m3) và 89 bể chứa nước (tổng dung tích chứa nước 14.600 m3). Tuy nhiên với dự án trên mới giải quyết được một phần nhỏ vùng cao còn thiếu nước của tỉnh (27.000/113.000 người).

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước và nâng mức sử dụng nước sinh hoạt vùng Lục Khu và một số vùng cao các huyện: Trà Lĩnh, Hoà An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, trong giai đoạn 2008 - 2015 tỉnh đã tập trung đầu tư các nguồn vốn tu sửa các hồ vải địa kỹ thuật. Dung tích chứa nước hồ được xác định theo lưu lượng của nguồn nước xuất lộ, mái hồ được xử lý các phần sắc nhọn của đá bằng lu đầm, đắp đất, đáy hồ được thiết kế có một khoảng bậc thấp hơn để thuận tiện khi vệ sinh hồ, đường bao quanh được đổ bê tông, đường đến khai thác nước cũng được đấu nối vào đường dân sinh và bê tông hoá để xe máy, công nông có thể đến lấy nước. Nước được dẫn bằng ống ngầm ra giếng cạnh hồ để nhân dân lấy nước, hồ có rãnh thoát nước bao quanh, có sân giặt, tại giếng có lối thoát nước thải.

Từ sự đầu tư tập trung của Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, hiện nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số huyện vùng cao cơ bản đã được khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

( Theo baocaobang.vn)

[[TT: LPM]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành