Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở Cà Mau: Ngổn ngang trăm mối
Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Kết thúc Chương trình (CT) 135 giai đoạn I, Cà Mau có 10 xã rút khỏi chương trình, nhưng đấy là do yêu cầu của tỉnh: Rút để ổn định vì kinh phí của tỉnh không thể gánh thêm. Thực tế, 10 xã này chưa thể tự phát huy nội lực đi lên chỉ sau một vài công trình đầu tư theo kiểu “thắt lưng buộc bụng” của Cà Mau. Hiện nay, thực hiện CT 135 giai đoạn II, Cà Mau còn 9 xã nhưng chỉ có 3 xã có khả năng hoàn thành mục tiêu cơ bản của CT. 6 xã còn lại đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành mục tiêu. Nguyên nhân được xác định là do thiếu kinh phí.
Cà Mau là một trong số ít tỉnh không được sự hỗ trợ của Trung ương trong quá trình thực hiện CT 135 (do tỉnh tự cân đối ngân sách). Ngay từ giai đoạn I (1999-2005), khi đó Ban Dân tộc Cà Mau còn chưa được thành lập. Ban chỉ đạo CT 135 của tỉnh khi ấy do ông Trịnh Minh Thành, phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo, thành viên gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính và Phòng Dân tộc thuộc Ban dân vận Tỉnh uỷ (tiền thân của Ban Dân tộc ngày nay)... đã phải tự vận động, cân đối ngân sách tỉnh để thực hiện các mục tiêu của CT (điện, đường, trường, trạm...) bằng cách lồng ghép với các chương trình Quốc gia như thuỷ lợi, giao thông nông thôn... Do phải thực hiện lồng ghép nên kinh phí để thực hiện CT 135 ở Cà Mau rất eo hẹp. Nhiều lần Ban Dân tộc đề xuất HĐND, UBND tỉnh tăng cường kinh phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng nhưng không được vì... tỉnh hết nguồn kinh phí đầu tư.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai CT 135 giai đoạn II, nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, công tác này mới chỉ “Triển khai sâu rộng những nội dung cơ bản của CT trong cán bộ và nhân dân thuộc các xã 135”. Theo đó, các hợp phần của CT đã được triển khai và lập kế hoạch như: Khảo sát lập 5 Dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề; tuyên truyền vận động thành lập 2 HTX nông nghiệp; hướng dẫn lập thủ tục cho một số HTX của huyện U Minh... và cũng chỉ mới dừng lại ở đó. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng TTCX, Trung ương hỗ trợ 3 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 6 xã và 2 tỉ đồng cho TTCX Khánh Hoà, nhưng đến nay, hạ tầng của cả 6 xã vẫn dở dang, TTCX Khánh Hoà vẫn đang trong qúa trình hoàn thiện, và 5 tỉ đồng hỗ trợ của Trung ương cũng... chưa thấy đâu. Lãnh đạo Ban Dân tộc đã nhiều lần liên hệ với Sở Kế hoạch-Đầu tư Cà Mau, Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhưng đều chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những việc cần làm ngay, nhưng ở Cà Mau, việc này còn khó khăn. Đơn cử như ở huyện Ngọc Hiển, nếu đi từ tỉnh xuống trung tâm huyện phải mất 4-5 tiếng đi đường sông mới tới. Ngoài ra, còn nhiều huyện chưa có đường ô tô đến trung tâm. Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau còn 59 xã chưa có đường ô tô và hàng trăm cây cầu tạm bắc qua kênh, rạch đang chờ được đầu tư, nâng cấp.
Theo ông Điền, dù ít tiền nhưng trong thời gian tới, tỉnh dự kiến tập trung đầu tư 10 công trình giao thông (đường 135) với tổng chiều dài khoảng 60km; xây mới và lắp đặt 4 trạm cấp nước ở các xã ĐBKK. Riêng hợp phần hỗ trợ sản xuất của CT 135 giai đoạn II (đầu tư, mua sắm thiết bị máy móc cho bà con nông dân) sẽ được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối ngân sách và thực hiện.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện CT 135 ở Cà Mau (không có sự hỗ trợ của Trung ương) là sự nỗ lực rất lớn của địa phương. Một số công trình 135 đã và đang đưa vào sử dụng đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, góp phần giảm tỉ lệ hộ đói nghèo trong vùng từ 2-3% năm. Nhưng để thực hiện trọn vẹn mục tiêu cũng như ý nghĩa của Chương trình thì sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời của Trung ương là hết sức cần thiết.
Theo công văn mới nhất, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị tỉnh Cà Mau sớm lập danh sách và xét thêm một số xã thuộc diện đầu tư theo CT 135 giai đoạn II để đề xuất với Chính phủ. Có thể phải sang đến năm 2009, khi có sự đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương thì tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành các mục tiêu của CT 135 giai đoạn II trên địa bàn Cà Mau mới có thể hoàn thành.
Bài và ảnh: Mạnh Cường
(Dân tộc và Phát triển)