Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở Đăk Nông: Chỉ có 4/20 xã được giao làm chủ đầu tư
Thực hiện Chương trình (CT)135 giai đoạn II, Đăk Nông có 20 xã và 28 thôn, buôn, bon đặc biệt khó khăn được thụ hưởng. Để triển khai thực hiện CT, Đăk Nông thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kịp thời phân bổ vốn cho các hợp phần.
Nhờ vậy, đời sống của nhân dân trên địa bàn các xã, thôn, buôn, bon được thụ hưởng CT từng bước được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các hộ trong tỉnh được rút ngắn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2008 chỉ còn 14%.
Trong 3 năm (2006–2008), Trung ương phân bổ cho tỉnh Đăk Nông gần 54 tỷ đồng, trong đó trên 34 tỷ đồng cho Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng; 2.270 triệu đồng cho Dự án Đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, gần 6 tỷ đồng cho Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và trên 20 tỷ đồng cho các dự án và các chính sách hỗ trợ khác...
Triển khai thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã được hưởng lợi, Đăk Nông đã phân bổ vốn cho 6 huyện Đăk R’lâp, Cư Jút, Đăk Mil, Krông Nô, Tuy Đức và Đăk Glong. Đến nay, đã thực hiện được 26 tỷ 995 triệu đồng, đạt 78,6% so với kế hoạch. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng có hiệu quả như: đường giao thông bon Đăk Krai vào thôn Tân Định, xã Đăk Găn của huyện Đăk Mil (2,3 km nhựa); Trường Trung học cơ sở xã Đăk Wil, huyện Cư Jút (6 phòng); Nhà lớp học 4 phòng bon R’cập xã Nâm Nung.
Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất được gần 4 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch, tập trung hỗ trợ cây con có năng suất, chất lượng cao như: bò, mít nghệ, lúa... hỗ trợ mua các loại máy như công nông, máy xay xát gạo, máy nổ, máy cày; đồng thời tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và khuyến nông, lâm, công cho hàng trăm lượt người.
Về thực hiện Dự án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng, trong 2 năm (2006 và 2007) đều hoàn thành kế hoạch, tháng 10/2008 đã mở được 13/39 lớp với 470 học viên tham dự.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện CT 135 giai đoạn II thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, đó là việc bố trí vốn đầu tư cho Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương cho tỉnh muộn (tháng 12/2006) và còn thấp so với nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, 6 xã được đưa vào diện 135 năm 2008 là Đạo Nghĩa, Trường Xuân, Đăk Hòa, Long Sơn, Đăk N’Drót và Quảng Tâm đến nay vẫn chưa được phân bổ vốn. Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn ít quan tâm đến việc khảo sát, kiểm tra, giám sát thi công công trình nên chưa bóc tách khối lượng thi công đơn giản để giao lại cho nhân dân thụ hưởng nhằm giải quyết thêm công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân từ việc xây dựng công trình.
Việc thực hiện phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư chưa mạnh, đến hết năm 2008 chỉ có 4/20 xã là: Đăk Nang, Buôn Choah, Tân Thành và Nâm Nung của huyện Krông Nô làm chủ đầu tư. Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng của một số huyện trên địa bàn tỉnh thi công còn chậm tiến độ, chưa thực sự bền vững, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, hệ thống điện lưới, công trình nước sinh hoạt tập trung, kênh mương, đập thủy lợi... như huyện Tuy Đức, Đăk Mil, Cư Jút.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do địa bàn tỉnh Đăk Nông rộng, nhiều dốc, chia cắt; các xã thuộc CT 135 dân cư ít, cư trú không tập trung; việc công nhận các xã được đầu tư và hướng dẫn việc thực hiện CT 135 giai đoạn II của Trung ương chậm, nên đã ảnh hưởng tới tiến độ tổ chức, triển khai thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện CT 135 trong thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm lồng ghép thêm các nguồn vốn cho Đăk Nông để thực hiện các dự án vừa và nhỏ như: xây dựng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, công trình thuỷ lợi, trung tâm cụm xã... tại bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Mặt khác cần có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng các dự án đào tạo cho cán bộ người dân tộc thiểu số tại các xã như mở các lớp đào tạo trung hạn, dài hạn; tăng cường vốn cho phát triển sản xuất để tiếp tục mở rộng sản xuất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện; tập trung đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, nhất là những lĩnh vực có lợi thế về nguồn nguyên liệu, nguồn lao động tại chỗ của địa phương.
Bài và ảnh: Trọng Thủy