Ủy ban Dân tộc xin ý kiến các Bộ, ngành về Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất
Sáng ngày 09/04/2013, tại trụ sở cơ quan Ủy ban Dân tộc (UBDT), Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Xuân Lương đã chủ trì Hội thảo xin ý kiến về Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2012 - 2016”. Dự hội thảo có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc cơ quan UBDT.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Ma Thế Luận, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, UBDT trình bày dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2012-2016”. Đề án nêu rõ: Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 12 triệu người, chiếm tỉ lệ 14% dân số cả nước. Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng DTTS, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay đáng kể, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế đã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng núi cao, địa bàn cư trú của các dân tộc rất ít người do những yếu tố có tính chất lịch sử và điều kiện tự nhiên khó khăn, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.
Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản thuộc các dân tộc rất ít người (có số dân dưới 10.000 người), xoá đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc một cách bền vững; phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dân số; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng và cả nước, nâng cao vị thế của cá dân tộc, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đến năm 2016, kết cấu hạ tầng phát triển ngang bằng với thôn, bản các dân tộc khác trên cùng địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 12 dân tộc giảm xuống 1/3 so với tỉ lệ hộ nghèo hiện nay, cơ bản không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Để tránh chồng chéo các chính sách trong Đề án với các chính sách hiện hành của các Bộ, ngành đang triển khai trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo Đề án. Các ý kiến tập trung vào các chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với con em đồng bào các dân tộc ít người; đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại những vùng đồng bào khó khăn; tăng định mức hỗ trợ, đầu tư đối với các mục tiêu về văn hóa. Các đại biểu đánh giá cao tính cấp bách và cần thiết của các mục tiêu và đề nghị một số mục tiêu cần nêu cụ thể hơn; cần tính cụ thể mức đầu tư cho từng dự án tới tận thôn, bản; đề nghị tăng định mức hỗ trợ cho đồng bào; giao đất các lâm trường, xây dựng nông thôn mới cần có tiêu chí chung phù hợp cho cả nước và cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng có các dân tộc rất ít người còn gặp nhiều khó khăn; thực hiện chính sách tại các xã loại 1, 2, xã đặc biệt khó khăn, chính sách đào tạo nghề cho vùng nông thôn...
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý chân thực, cởi mở và đầy trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng yêu cầu Tổ Soạn thảo Đề án tiếp thu ý kiến của các đại biểu đại diện các Bộ, ngành để tổng hợp, hoàn thiện Đề án trình Lãnh đạo Ủy ban.
Đề án được triển khai thực hiện sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của các dân tộc rất ít người(có số dân dưới 10.000 người). Do điều kiện tự nhiên và lịch sử để lại, các dân tộc có số dân ít là những nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn và đang phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như yêu cầu phát triển của các dân tộc. Việc triển khai đề án không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về kinh tế - xã hội cho riêng các dân tộc có dân số dưới 10.000 người mà còn có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Cùng với tính hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường như các đề án khác, ý nghĩa cao nhất là thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển các cộng đồng dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam./.
Sơn Nam