Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát Chương trình 135 giai đoạn II: Khó hoàn thành nhiều mục tiêu

Sáng nay (12/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 30 với nội dung tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện xoá đói, giảm nghèo qua chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010); việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.

Tốc độ giải ngân còn chậm

Báo cáo của Đoàn giám sát UBTVQH thực hiện tại 22 tỉnh, 44 huyện và 50 xã đặc biệt khó khăn do đồng chí Ksor Phước - Uỷ viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc trình bày nêu rõ: Chương trình 135 giai đoạn 2 và các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án nghèo đầu tư trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn có ý nghĩa chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng và cấp thiết.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006-2010, tổng kinh phí ngân sách trung ương và tài trợ của các tổ chức quốc tế là hơn 14.000 tỷ đồng, mức vốn đầu tư cho một xã tăng lên hằng năm đạt gần 1,4 tỷ đồng. Thế nhưng, tỷ lệ giải ngân các nhiệm vụ Chương trình ở hầu hết các địa phương đều chậm so với kế hoạch.

Giá trị thực hiện khối lượng công việc hoàn thành cộng dồn đến năm 2009 là 8.186,48 tỷ đồng/10.204,28 tỷ đồng vốn kế hoạch đã giao, đạt 80,23%. Trong đó đã giải ngân được 7.982,52 tỷ đồng, đạt 78,23%.

Theo đánh giá của Chính phủ, ngoại trừ dự án phát triển cơ sở hạ tầng đạt tỷ lệ giải ngân cao thì các nhiệm vụ, dự án còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp. Một số tỉnh có kết quả giải ngân 4 năm qua đạt thấp như: Đắc Lắc 52,28%, Lâm Đồng 51,81%, Bình Phước 56,29%...

Đại biểu Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội thẳng thắn hỏi: Tại sao lại giải ngân chậm vậy?

Cũng quan tâm đến tốc độ giải ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn: Nhiều tỉnh có tiềm lực kinh tế, trình độ cán bộ khá giỏi nhưng tại sao giải ngân chậm? Có phải do trách nhiệm, do qui hoạch hay do phối hợp chỉ đạo thực hiện đến cấp xã...?

Theo lí giải của đại biểu Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, tỷ lệ giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân. Trong đó, giải ngân năm 2006 chỉ đạt 56,96% do ngân sách Trung ương phân bổ vốn chậm nên các địa phương không kịp triển khai thực hiện phải chuyển vốn sang năm 2007. Đồng thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chậm được ban hành nên các địa phương lúng túng, không có căn cứ triển khai thực hiện.

Thêm vào đó, khi triển khai thực hiện, một số nội dung trong các văn bản hướng dẫn và quy định của Trung ương lại chưa phù hợp với điều kiện thực tế, gây khó khăn cho các địa phương. Ông Hùng nêu cụ thể: cơ cấu vốn tại quyết định 1445 của Thủ tướng Chính phủ quy định vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp không phù hợp. Văn bản hướng dẫn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Bộ NN&PTNT (thông tư 01 và thông tư 79) hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, một số quy định khó thực hiện.

Đoàn giám sát của UBTVQH cũng đưa ra vấn đề: Nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đầu tư cùng Chương trình 135 giai đoạn II không nhỏ. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều xã đã đạt và hoàn thành mục tiêu đề ra của kế hoạch nhưng số xã có quyết định hoàn thành mục tiêu đưa ra khỏi diện đầu tư của chương trình còn ít. Kết quả trong 4 năm mới có 113 xã hoàn thành cơ bản mục tiêu ra khỏi chương trình, trong đó: xã do ngân sách Trung ương đầu tư là 86 xã/1748 xã, chiếm tỷ lệ 4,92%; xã do ngân sách địa phương đầu tư là 27 xã/66 xã, chiếm tỷ lệ 40,5%.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu băn khoăn: vậy có phải xã dùng vốn địa phương thoát ra Chương trình 135 nhanh hơn xã dùng vốn Trung ương không?

Ông Hà Hùng giải thích đó là do các tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn đầu tư nhiều cho các xã thuộc diện 135 ở các tỉnh đó. Ông lấy ví dụ: thành phố Hà Nội mỗi năm dành gần 100 nghìn tỷ cho các xã thuộc 135 của thành phố; Quảng Ninh cũng dành gần 4 tỷ, Vĩnh Phúc hơn 3 tỷ... trong khi đó vốn bình quân của Trung ương đầu tư chỉ khoảng 1 tỷ. Như vậy nguồn vốn của địa phương dành cho các xã so với Trung ương lớn hơn rất nhiều lần nên họ thoát ra Chương trình 135 nhanh.

Tỷ lệ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu bền vững

Qua 4 năm thực hiện, mục tiêu mà Chương trình đã hoàn thành là 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí.

Còn lại rất nhiều mục tiêu khó có thể đạt được khi kết thúc Chương trình là: xã có đường giao thông xe cơ giới (xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến thôn, bản đạt 75,2% (mục tiêu 80%); xã có công trình thuỷ lợi nhỏ bảo đảm năng lực phục vụ sản xuất từ 53,7% lên 67,5% (mục tiêu là 80%); xã có đủ trường, lớp tiểu học kiên cố đạt 83,6%; xã có trường THCS kiên cố đạt 94,7% (mục tiêu 100%); xã có trạm y tế đạt 100%, tăng 9% so với đầu Chương trình, tuy nhiên mới chỉ có 41,2% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (mục tiêu 100%)....

Điều băn khoăn nhất mà Đoàn giám sát đưa ra là đa số các xã, thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn lớn.

Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo vùng này sẽ trở lại rất cao. Qua giám sát và báo cáo của các tỉnh, đến cuối năm 2009 ở một số tỉnh vẫn còn một số xã còn tỷ lệ hộ nghèo cao như: Tuyên Quang (42,2%), Lạng Sơn 49%, Điện Biên 50%, Quảng Bình 49,34%....

Mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn II là tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chật, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững. Đây là mục tiêu đúng đắn. Tuy nhiên, một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng cần phải kiên trì mục tiêu bền vững.

Đại biểu Mai đề nghị: Mục tiêu lớn nhất của chương trình là giảm nghèo bền vững nhưng hiện chúng ta đang đặt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. “Chúng ta chỉ nên tập trung giảm nghèo bền vững và phương pháp tác động nghèo thời gian tới phải cụ thể hơn không thể chung chung như hiện tại”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, trong xoá đói giảm nghèo cần tránh khuynh hướng nhanh, nóng vội. Theo bà, cần phải kiên trì tổ chức thực hiện, dẫn dắt đồng bào từng bước.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015; ưu tiên các chương trình đầu tư phát triển kinh tế- xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số và các địa bàn khó khăn.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị cuối năm nay Chính phủ chỉ đạo tổng kết đánh giá việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình, dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn từ đó xây dựng một chương trình xoá đói giảm nghèo phát triển toàn diện, bền vững trên địa bàn đặc biệt khó khăn cho giai đoạn tiếp theo./.

Theo Kim Thanh
(website Đảng Cộng sản VN)

[TT: NTV]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành