Xây dựng nông thôn mới trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết Tam nông), bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Xây dựng nông thôn mới là xu thế phù hợp với tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những tín hiệu vui

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), có 11 xã của 11 tỉnh thuộc các vùng, miền trong nước thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết Tam nông, các địa phương đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng, xây dựng các hạng mục công trình, phục vụ lợi ích cho người dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết: sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, các xã cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trình độ nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Nông dân được chăm sóc y tế tốt nhất, tất cả trẻ em đều được đến trường. Người nông dân đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăn nuôi bằng cách thâm canh, tăng vụ, đưa cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT nhằm tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Giảm được phần lớn hộ nghèo theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi đến xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), là xã thực hiện Nghị quyết Tam nông. Dọc hai bên đường từ trung tâm huyện vào xã Quý Sơn, nhiều ngôi nhà 2 - 3 tầng được xây dựng, những vườn cây xanh mướt đang mùa ra trái ngọt, minh chứng cho sự đổi thay của một xã miền núi.

Ông Ân Ngọc Lương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quý Sơn cho biết: Trong giai đoạn I, thực hiện Chương trình 135, xã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng điện, đường, trường, trạm. Vì vậy, 100% hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới; giao thông được nâng cấp và xã có tới 6 trường học, trong đó 4 trường đạt chuẩn Quốc gia, hơn 98% số phòng lớp học được xây dựng kiên cố. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt từ 95 – 98%. Năm học 2008 - 2009, xã Quý Sơn có 175 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông, xã Quý Sơn đã làm tốt công tác tuyên truyền cho mọi người dân hiểu về xây dựng nông thôn mới. Khi người dân đã hiểu, việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của Quý Sơn thuận lợi và hiệu quả. Hiện Quý Sơn có 1.700 ha được nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào chăm sóc theo quy trình VietGap (vải thiều an toàn), mỗi năm đem lại nguồn thu cho nhân dân trong xã hàng chục tỷ đồng. Quý Sơn còn có 273 ha cây ăn quả khác, như: nhãn, bưởi, cam, táo lai đã cho thu hoạch với thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm.

Xã Tam Phước (Phú Ninh, Quảng Nam) là xã duy nhất của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện Nghị quyết Tam nông. Với số vốn để thực hiện Nghị quyết trong 3 năm (2009 – 2011) là 95 tỷ đồng, sau hơn nửa năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn mới ở Tam Phước đã được định hình. Xã Tam Phước phấn đấu đến cuối năm 2011 đạt kết cấu hạ tầng nông thôn tương đối đồng bộ và hiện đại. Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã chỉ còn chiếm tỷ lệ 40%, thương mại dịch vụ 60% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu đạt 13 triệu đồng/năm, 30% dân số tham gia các hình thức bảo hiểm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5%; 100% tuyến đường trong xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 70% kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa; đồng ruộng được dồn điền, đổi thửa để sản xuất hàng hóa; có hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật, các trường học, nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn đều đạt chuẩn, có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, Internet; toàn xã đạt chuẩn phổ cập trung học, 100% hộ dân có công trình vệ sinh đạt chuẩn, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.

Nghị quyết Tam nông đi vào cuộc sống, được người dân ở các địa phương hưởng ứng. Đó là những tín hiệu đáng mừng. Khi thực hiện thành công ở các xã điểm, việc xây dựng làng, xã nông thôn mới sẽ được nhân rộng trong khắp cả nước.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Khi tiến hành xây dựng tiêu chuẩn nông thôn mới, Bộ NN&PTNT đã phân tích, xây dựng quy chuẩn áp dụng cho từng vùng miền cụ thể. Về tiêu chí giao thông, 1 xã thuộc Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) và Đông Nam Bộ (ĐNB) phải đạt 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, tiêu chí này đối với xã vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 70%, đối với xã vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long là 50%. Về hộ nghèo, xã vùng ĐBSH và ĐNB phải đạt tiêu chuẩn tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ dưới 5%, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long dưới 7% và Trung du miền núi phía Bắc dưới 10%.

Sau hơn 1 năm thực hiện (một số xã mới thực hiện được nửa năm), việc đánh giá tiến độ thực hiện, chuyển biến ở các xã, thôn, bản chưa được cụ thể, toàn diện. Đối với các tỉnh thuộc vùng ĐBSH, ĐNB, việc xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn các vùng khác trong cả nước, bởi trình độ dân trí của đa số nhân dân đã được nâng cao; điều kiện tự nhiên thuận lợi so với khu vực miền núi phía Bắc (đặc biệt là các tỉnh miền núi Tây Bắc), địa hình hiểm trở, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế.

Để xây dựng nông thôn mới ở những vùng có điều kiện khó khăn thành công, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cho người dân hiểu việc xây dựng nông thôn mới là để phục vụ cho chính người dân. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là điều kiện để bà con phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc dân tộc.

Nông Quốc Lập
Nguồn Báo Dan tộc và Phát triển

[TT: N.T.P]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành