Bắc Giang tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số
Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 200 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Vùng cư trú của đồng bào DTTS là những nơi khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Với đặc thù đó, Bắc Giang đã sớm xác định được các khâu đột phá nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra, tập trung nguồn lực đầu tư và tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công cuộc giảm nghèo.
Đi đầu trong công tác giảm nghèo của tỉnh là huyện Lục Ngạn,
nơi có gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Huyện cũng xác định muốn giảm nghèo cho
đồng bào các dân tộc phải tập trung vào giải quyết những vấn đề thiếu vốn, thiếu
kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm. Chính quyền huyện, xã phối hợp chặt chẽ với
các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn và
mạnh dạn đứng ra tín chấp để các hộ được vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời
huyện cũng thường xuyên mở các lớp hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao
nhiều phương thức canh tác, chăn nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp người
dân chủ động trong phát triển kinh tế gia đình. Với những quyết sách giảm nghèo
quyết liệt của tỉnh và cách làm nói trên của huyện, bình quân mỗi năm nông dân
Lục Ngạn được vay hàng chục tỷ đồng đầu tư vào sản xuất; hơn 20 nghìn lượt người
được tập huấn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và gần ba nghìn lao động, trong đó
chủ yếu là nông dân tìm được việc làm mới, có thu nhập bình quân từ bốn đến năm
triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng trên địa bàn 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện
Lục Ngạn, sau năm năm triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã có 20 dự
án, mô hình kinh tế triển khai có hiệu quả cao.
Điển hình như xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn có 100% số dân là
đồng bào DTTS. Trước đây, số hộ nghèo chiếm 78,7%, sau năm năm được đầu tư giảm
nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm xuống còn 47,23%, nhiều hộ có thu
nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng sản
xuất hàng hóa như cánh đồng sản xuất hạt giống rau cải cúc và lúa lai thôn Đồng
Phúc, lạc L14 thôn Tân Lập và Tân Thành; trong tổng số gần 500 ha rừng trồng có
28 ha rừng keo và hàng chục ha rừng thông đang cho khai thác.
Trước đây, gia đình ông Bàng Quốc Việt, thôn Đồng Rãng, xã
Kim Sơn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2010, sau khi nhận được hỗ trợ từ Đề án giảm
nghèo bền vững cho 13 xã đặc biệt khó khăn, Chương trình giảm nghèo bền vững và
nhiều chính sách khác do huyện triển khai, kinh tế gia đình ông bắt đầu có sự
đổi thay. Ông Việt nhận được giống cây, con và được tập huấn phương thức canh
tác, nuôi trồng mới. Đến nay, gia đình ông đã có thu nhập ổn định hơn 300 triệu
đồng mỗi năm. Ông Việt chia sẻ: "Tôi đã loay hoay nhiều năm để đưa gia đình
thoát nghèo nhưng thường rơi vào bế tắc. Chỉ đến khi cán bộ huyện tập huấn và
chuyển giao kỹ thuật nuôi gà, trồng cam, bưởi với chất lượng giống tốt, gia đình
tôi mới thật sự tìm ra hướng thoát nghèo". Và giờ đây ông Việt thường xuyên giúp
đỡ bà con chung quanh về kỹ thuật và con giống mới để các gia đình làm kinh tế
hiệu quả thật sự trên chính mảnh đất của mình.
Thời gian qua tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm và đầu tư nhiều
nguồn lực trong thực hiện chính sách dân tộc, nhất là chú trọng phát triển kinh
tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào. Cùng với đó là công tác
bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh luôn coi vùng dân tộc và
miền núi là nguồn lực tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy
nhiên, việc thực hiện các chính sách dân tộc còn một số hạn chế, khó khăn do vốn
đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, chồng chéo về chính sách hỗ trợ, đó cũng là
những việc mà các cấp, ngành trong tỉnh đang tập trung giải quyết để công tác
dân tộc mà thiết thực là đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng
được nâng cao.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Nguyễn Hồng Luân cho rằng,
để công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, vấn đề đặt
ra là đầu tư trọng tâm giảm nghèo hiệu quả cho gần 370 thôn, bản đặc biệt khó
khăn đã được Ủy ban Dân tộc công nhận. Do vậy, ngoài sự đầu tư theo Chương trình
135 và các dự án, chính sách khác, tỉnh cần tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng
cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện; hỗ trợ phát triển sản xuất
giúp các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện về điều kiện canh
tác, để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự vươn lên thoát nghèo.