Bắc Giang: Bội thu ở vùng quả ngọt

Trong lúc câu chuyện “giải cứu nông sản” vẫn xảy ra với không ít loại nông sản trên các vùng miền, thì ở Bắc Giang, trái vải thiều của nông dân ở huyện miền núi Lục Ngạn lại có một vụ mùa bội thu. Đạt được kết quả này không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn.

Làm giàu từ cây vải

Lục Ngạn là huyện miền núi và là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Người Kinh ở Lục Ngạn chiếm 53%, còn lại là các dân tộc khác như: Sán Dìu, Nùng, Cao Lan, Hoa. Nếu như trước đây, người Lục Ngạn vẫn thường than vì “đi mãi không hết huyện”; thì giờ đây, diện tích đất rộng lớn ở Lục Ngạn đã trở thành thế mạnh để người dân Lục Ngạn làm giàu với các loại cây ăn trái như: Vải thiều, hồng, na, cam, bưởi…

Trong số các loại cây ăn quả đang làm nên tên tuổi của Lục Ngạn, vải thiều là loại trái cây lâu đời nhất với diện tích toàn huyện hiện lên tới 16.293 héc-ta. Thực tế, vải thiều vốn là loại trái cây có tính mùa vụ cao, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dễ mất mùa. Thêm vào đó, trái vải lại khó bảo quản được lâu, dễ xuống mã… Đây chính là những yếu tố khiến trái vải thiều Lục Ngạn “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” luôn rơi vào tình trạnh bấp bênh khi tiêu thụ…

Vậy nhưng, đó là câu chuyện của vài năm về trước. Mấy năm trở lại đây, trong lúc nhiều loại nông sản dư thừa, ùn ứ, mất giá… thì người trồng vải thiều Lục Ngạn năm sau vui hơn năm trước. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn không chỉ biết trồng vải cho năng suất cao mà còn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên từ vải thiều ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên trái vải thiều Lục Ngạn đã tạo sự đột phá về giá. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg quả tươi, có thời điểm giá đạt đỉnh lên tới 83.000 đồng/kg, đưa tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 2.204 tỷ đồng. Trong đó, tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 25.840 tấn – chiếm tới 47,6% tổng sản lượng vải của Lục Ngạn.

Lãnh đạo “xắn tay” đi bán vải

Để trái vải thiều “rộng đường” đến với các thị trường trong nước và quốc tế là câu chuyện dài của Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn. Trong hành trình tìm đường tiêu thụ cho trái vải, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chủ động “xắn tay” đi bán vải thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên, Bắc Giang chủ động tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Trung Quốc, thu hút hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham gia. Cũng trong vụ vải năm nay, khoảng 10.000 khách Trung Quốc đã đến tận các vườn vải thiều ở Bắc Giang tham quan và kết nối giao thương.

Về phía huyện Lục Ngạn, xác định kinh tế của huyện chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên lãnh đạo huyện đặc biệt dành sự quan tâm cho vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có trái vải thiều. Bắt đầu vào vụ vải năm 2017, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo Trạm khuyến nông tổ chức 247 lớp tập huấn cho 11.138 lượt người tham dự, để phổ biến kỹ thuật sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGapap và GlobalGap. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap cho trên 40.000 hộ với diện tích 10.700 héc-ta.

Để giúp nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, UBND huyện Lục Ngạn đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Cùng với đó, in và cấp nhãn đề can hàng hóa “vải thiều Lục Ngạn”, túi nylon, túi lưới, đĩa DVD cho các HTX và các tổ, đội để quảng bá giới thiệu sản phẩm vải thiều. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất để người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải.

Và câu chuyện thành công của trái vải thiều Lục Ngạn đang cho thấy, khi chính quyền vào cuộc một cách tâm huyết, quyết liệt… con đường vươn xa của các loại nông sản chất lượng sẽ luôn rộng mở.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành