Bắc Giang hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện còn hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, làm cho việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang luôn chiếm tỷ lệ cao.

Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có gần 51% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo chiếm xấp xỉ 60% so với tổng số hộ nghèo của huyện. Năm 2016, toàn huyện có 680 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.    

Gia đình ông Bế Văn Sơn, người dân tộc Tày, ở thôn Sản 2, xã Hữu Sản, huyện Sơn Động có 6 người nhưng chỉ có một sào ruộng. Để duy trì cuộc sống, ngoài một sào ruộng cấy hai vụ lúa được khoảng 2 tạ thóc/năm, vợ chồng ông phải đi làm thuê khắp nơi với thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/người/ngày. Do hoàn cảnh khó khăn nên cả 5 người con của ông đều bỏ học giữa chừng.

“Còn sức khỏe thì vợ chồng tôi còn được người ta thuê phát đồi, trồng rừng, vài năm nữa già yếu không ai thuê. Chúng tôi mong có thêm mấy sào ruộng để canh tác.” - ông Sơn chia sẻ. Được biết, gia đình ông Sơn nằm trong Dự án di dân Trường bắn quốc gia TB1, chuyển về Sơn Động từ năm 2009. Tuy đã được hỗ trợ gần 50 triệu đồng để mua đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề nhưng do quỹ đất sản xuất của xã hạn hẹp nên gia đình ông không mua được đất.  

Ông Bế Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản, huyện Sơn Động cho biết: Toàn xã có gần 100% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 53 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích khoảng 96 nghìn m2. Các hộ thiếu đất sản xuất chủ yếu là những hộ di dân từ trường bắn TB1 về (đã được nhận hỗ trợ từ Dự án di dân Trường bắn TB1 để mua đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề) và những hộ mới tách hộ. Tuy nhiên, việc bố trí đất sản xuất cho những hộ này gặp khó khăn vì diện tích đất cấy lúa của xã chỉ có 126 ha, còn chủ yếu là đất đồi rừng thuộc các công ty lâm nghiệp quản lý và đất rừng phòng hộ.    

Tương tự, gia đình anh Nông Văn Bắc, dân tộc Nùng, ở thôn Quán Cà, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn chỉ có trên 60 m2 đất bao gồm cả đất ở và đất sản xuất. Trên diện tích đất này, anh xây được ngôi nhà cấp 4 khoảng 28 m2 và trồng được 3 cây vải. Mọi sinh hoạt trong gia đình 4 người đều phụ thuộc vào thu nhập từ công việc phụ hồ của anh (khoảng 200 nghìn đồng/ngày). Anh Bắc cho biết: Trước kia gia đình anh có khoảng 4 sào ruộng, năm 2010 sau khi giao đất cho trường bắn TB1 thì gia đình không còn đất canh tác. Dù đã được nhận hỗ trợ, bồi thường hơn 70 triệu đồng nhưng do không còn quỹ đất nên gia đình anh không mua được đất sản xuất, vợ chồng anh chuyển sang chăn nuôi nhưng cũng rất khó khăn.    

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng trên 2.700 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Từ năm 2002 đến nay, tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Năm 2002 con số này là 970 hộ, năm 2006 tăng lên 1.662 hộ, năm 2011 tăng lên 2.574 hộ và đến nay là 2.702 hộ.  

Số hộ người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất ở Bắc Giang ngày càng tăng. Theo ông Chu Quý Minh - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân là do đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực miền núi, vùng cao, diện tích đất tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là đất rừng, đất sông suối nên diện tích đất canh tác, nhất là đất ruộng rất thấp. Một số diện tích đất trồng lúa, đất nương bãi được thu hồi, chuyển mục đích sang xây dựng một số công trình lớn như thủy lợi Hồ sông Sỏi - Yên Thế, nhà máy nhiệt điện Sơn Động…

Diện tích đất canh tác của một số xã vùng dân tộc thiểu số thuộc huyện Lục Ngạn nằm trong quy hoạch đất quốc phòng nên phải di chuyển dân cư để giao đất cho trường bắn TB1. Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng dân số nhanh, nhiều người xây dựng gia đình, tách hộ nhưng không có tiền để mua thêm đất nên thiếu đất. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai ở một số xã, huyện chưa tốt nên xảy ra tình trạng đất ruộng bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở...  

Đối với người nông dân “tấc đất là tấc vàng”, do đó khi thiếu đất sản xuất dẫn đến nhiều hệ lụy như: tình hình kinh tế không ổn định, con cái không có điều kiện học hành; xảy ra tình trạng tranh chấp về đất đai giữa các hộ và giữa các hộ với các nông lâm trường. Đặc biệt, thiếu đất, thiếu việc làm, người dân địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc hoặc phá rừng để lấy đất sản xuất. Điển hình như ngày 31/3 mới đây, tại thôn Khe Táu, xã Yên Định, huyện Sơn Động, người dân đã phá 2ha rừng để lấy đất canh tác.  

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ đất sản xuất cho 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí 1,2 tỷ đồng; con số còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. “Việc hỗ trợ người dân trực tiếp bằng đất sản xuất gặp khó khăn vì hiện nay hầu hết các địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất. Định mức hỗ trợ (15 triệu đồng) và vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội (15 triệu đồng/hộ) là thấp nên không hỗ trợ được các hộ nghèo mua bán, chuyển nhượng đất”, ông Chu Quý Minh chia sẻ thêm.    

Do nhiều hộ chưa được hỗ trợ đất nên Bắc Giang đã tiến hành hỗ trợ các hộ chuyển đổi nghề. Đến nay tỉnh đã hỗ trợ 1.981 hộ chuyển đổi nghề với kinh phí trên 39,6 tỷ đồng, chủ yếu là mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy phát cỏ, máy cày… Tuy nhiên, để giảm nghèo hiệu quả và bền vững cho bà con, không gì hơn là có đất để tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống. Bởi đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, hay hỗ trợ mua sắm nông cụ mục tiêu cuối cùng của người nông dân là phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, không có đất sản xuất, các giải pháp trên khó mang lại hiệu quả cao.    

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Chu Quý Minh cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, thời gian tới, Bắc Giang tiến hành rà soát, thống kê quỹ đất của các công ty nông-lâm nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả để tham mưu cấp thẩm quyền thu hồi, lập quy hoạch, xây dựng đề án khả thi nhằm cấp đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng đề án thực hiện quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020,   trong đó có nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số để ổn định sản xuất. Ông Minh cũng đề xuất, Trung ương cần nâng mức vốn hỗ trợ và vốn vay để hỗ trợ đất sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế; đa dạng việc hỗ trợ mua sắm nông cụ, công cụ sản xuất trong chuyển đổi nghề và phân bổ hợp lý vốn vay, vốn hỗ trợ.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành