Bừng sáng ấp Vĩnh Đằng

Con đường bê tông thẳng tắp, nhà nhà sáng bừng ánh điện... Và còn rất nhiều đổi thay khác đang hiện hữu ở ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang), nơi có 95% số hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer.

Nằm cách quốc lộ 61 chừng 1 km, nhưng từ năm 1995 về trước, đường đến ấp Vĩnh Đằng rất khó khăn, mùa mưa phải di chuyển bằng xuồng. Chuyện đi lại đã khó, đời sống sinh hoạt của đồng bào còn thiếu thốn hơn: Trên 500 hộ dân trong ấp sử dụng nước không hợp vệ sinh, việc được sử dụng điện lưới quốc gia chỉ là mơ ước.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này gần 60 năm, ông Danh Đi, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Đằng nhớ như in thời kỳ nghèo khó. Năm 1995, khi ông làm Trưởng ấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, toàn ấp có đến 30% số hộ nghèo. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lúa là cây trồng chính, nhưng không phải ruộng lúa nào cũng làm được hai vụ lúa. Nhà xiêu vẹo, tạm bợ nhiều, trường học toàn làm bằng cây, lá.

Sau gần 20 năm phát triển, tên gọi "Pear Cà Đao" (tiếng Khmer nghĩa là con sông ven bờ mọc nhiều cây Sầu Đâu) trước kia của ấp Vĩnh Đằng, giờ chỉ còn trong tâm trí lớp người cao tuổi - những người thấy rõ nhất sự phát triển của quê hương từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Diện mạo ấp Vĩnh Đằng đã đổi mới

Ấp Vĩnh Đằng hiện có trên 700 hộ dân, trong đó 95% hộ đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, bên cạnh việc thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhân dân ấp Vĩnh Đằng còn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nhiều nguồn để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Phú, hàng năm, ấp Vĩnh Đằng được xã phân bổ từ 600 - 800 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ và vốn huy động trong dân để xây dựng giao thông nông thôn. Việc nạo vét các con kênh Xẻo Tre, Trên Giồng, Trời Đánh... ; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã tạo đà cho ấp phát triển nông nghiệp. Đến nay, hầu hết nông dân trên địa bàn ấp đều làm được 2 - 3 vụ lúa (năng suất bình quân 6,5 tấn/ha). Ngoài trồng lúa, nhiều hộ nông dân trong ấp còn trồng màu, chăn nuôi, kinh tế ngày càng ổn định, khá giả. Đến nay, ấp không còn nhà xiêu vẹo, hộ giàu chiếm 50%, hộ nghèo còn hơn 2%, còn lại là hộ khá; hơn 90% số hộ sử dụng điện, 89% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành