Cây lúa... đời người
Chớm mùa mưa... chúng tôi ngược lên phía Cửa khẩu Cà Roòng, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), theo đường 20 - Quyết Thắng giữa bất chợt nắng, bất chợt mưa. Hai bên đường, chen giữa đại ngàn, giữa những khoảng rừng tre, nứa là bát ngát một màu xanh lúa rẫy của đồng bào Ma Coong. Cây lúa rẫy được chắt chiu từ trong trắng đất trời, từ mồ hôi con người, ra bông, nặng hạt... giúp ấm cái bụng đồng bào.
Nói chuyện với tôi về cây lúa rẫy của người A Rem, người Ma Coong định cư trên mười mấy bản làng thuộc hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch, già Đinh Huôn ở bản Cờ Đỏ trân trọng: “Thấy từng đám rẫy chênh vênh rứa đó, nhưng tồn tại, gắn bó với đồng bào từ xa xưa đến bây giờ. Nói như người dưới xuôi là bỏ đi, làm lúa rẫy đồng nghĩa với phá rừng. Nhưng không thể nào bỏ được... cây lúa là đời người, sống chết cùng người A Rem, người Ma Coong, là nét văn hóa rất riêng mà dân bản đang cố gắng giữ gìn”.
Già Đinh Huôn khẳng định: “Dù vẫn theo lối canh tác truyền thống “chặt- đốt- cốt- trỉa” nhưng không hẳn cái rẫy đồng bào là nguyên nhân khiến rừng bị cạo trọc dần đi. Rẫy vẫn là rẫy cũ đó thôi, mùa này đồng bào gieo hạt ở vùng ni, mùa sau chuyển qua vùng khác, cứ như thế mà quay vòng, trên diện tích đồng bào đã có từ trước, không ai dám đụng vào rừng di sản đâu, chạm vào rừng quý, rưng rưng nước mắt!”.
Thượng Trạch là xã biên giới xa nhất và có diện tích rộng lớn nhất của huyện Bố Trạch với trên 70 nghìn km2, gần 30km đường biên giáp nước bạn Lào. Đồng bào Ma Coong sinh sống tại 18 bản với hơn 530 hộ dân, 2.488 nhân khẩu.
Chủ tịch UBND xã Đinh Hợp cho biết: “Tài sản của xã hiện tại có khoảng 500ha đất canh tác hoa màu, lúa rẫy; trên 3.000 con gia súc và khoảng 2.900 gia cầm. Có 7 bản được giao chăm sóc, bảo vệ trên 1.300 ha rừng và gần 200ha rừng khoanh nuôi tái sinh... Được sự tiếp sức từ Đảng, Nhà nước, cuộc sống nhân dân đang khá dần lên, dù đang nghèo nhưng đã giải quyết dứt điểm hộ đói”.
Khó có thể thống kê được toàn xã Thượng Trạch gieo bao nhiêu ha lúa rẫy; năng suất, sản lượng đạt bao nhiêu. Ngay cả Chủ tịch xã Đinh Hợp cũng lắc đầu bảo với tôi: “Chịu thôi! Hỏi bà con một mùa rẫy mới gieo bao nhiêu gùi, thu hoạch được bao nhiêu bao thì được” - Ông Chủ tịch cười rất sảng khoái - “Đó chính là đặc trưng lối canh tác của người Ma Coong.
Cứ vào độ ra giêng, đồng bào phong quang, dọn dẹp rẫy. Nắng lên, cây dại khô đi thì đốt. Tháng 4, 5 âm lịch bắt đầu trỉa. Giống lúa nếp bản địa gieo xuống, phó mặc cho đất trời, mưa nắng... Gặp năm mưa thuận gió hòa, lúa tốt bời bời, tháng 9, tháng 10, bông lúa chín trĩu nặng gần chạm đất, lúc đó dân bản rủ nhau mang gùi lên tuốt lúa về”.
Vòng đời cây lúa rẫy, tôi ngẫm giống như cuộc đời đồng bào Ma Coong Thượng Trạch, hồn nhiên, trong trẻo, hòa đồng giữa cây cỏ, giữa thiên nhiên để sống, để tồn tại. Đời người không nặng gánh cơm áo, gạo tiền. Đời cây lúa không phân bón, không chất hóa học... được mất do trời định. Bởi thế, lúa rẫy trên vùng biên viễn Thượng Trạch mất nhiều hơn được. Gặp năm mất mùa, thân cây lúa trơ vơ, bông lúa đầy hạt lép, không cúi hết xuống đất mà cong cong tựa dấu hỏi, hàng nghìn, hàng vạn dấu hỏi đung đưa theo gió hanh hao, khô khát.
Giống đời người, nhưng phận lúa rẫy “ám” nhiều hơn vào số phận người phụ nữ Ma Coong. Họ chính là lực lượng lao động chính “bán mặt cho rẫy, bán lưng cho trời” trên từng khoanh rẫy chênh vênh. Vào mùa rẫy mới, từ tờ mờ sáng, khi con gà rừng te tái gáy ven bản, phụ nữ Ma Coong gọi nhau gùi giống lên ngàn. Đôi chân trần giữa rừng, gậy một đầu vót nhọn trên tay, cứ một nhát gậy thọc xuống đất, nhón tay thả vài hạt giống.
Cứ thế ngày này qua ngày khác, khi những hạt giống cuối cùng gieo xong, họ rủ nhau quay về bản. Mùa lúa chín... người đi thu hoạch cũng là phụ nữ, đôi bàn tay các mế, các chị thoăn thoắt tuốt từng hạt lúa đến khi nặng gùi. Mệt... tranh thủ nghỉ ở những chiếc chòi canh rẫy be bé, nằm trơ vơ dọc các triền nương.
Hạt lúa đưa về nhà, cũng một tay người phụ nữ cho vào cối, dùng chày giã thành gạo; dần, sàng chọn ra những hạt gạo mẩy, đem nấu thành cơm, mùi cơm nếp thơm lừng. Cơm nếp ăn với bát cheo (muối sống trộn ớt rừng giã nhuyễn), ai một lần thưởng thức qua, khó mà quên được!
Một sáng Thượng Trạch tôi theo chân những người phụ nữ Ma Coong lên rẫy. Bà mẹ đơn thân Y Vầng, bản Cờ Đỏ, quấn đứa con nhỏ trước bụng, gùi khoác sau lưng, điếu thuốc lá cháy bập bùng nơi miệng. Hỏi: “Sao không để con ở nhà?”. Trả lời: “Ơ! Cho nó ở nhà, không ai coi!”. Y Vầng có đến 5 mặt con, nhưng chẳng biết cha của từng đứa trẻ là ai.
Chị nói: “Hắn bỏ mấy mẹ con đi biệt mấy mùa rẫy rồi!”. Lời Y Vầng vô tư, nhẹ không. “Năm ni trỉa được 20 cân giống. Lúa tốt lắm! Chắc chắn thu về khoảng 20 bao”. “Hai mươi bao, cả nhà ăn được mấy tháng?”- Tôi hỏi. “Không biết! Ăn hết thì có gạo nhà nước trợ cấp”.
Trong đoàn người, tôi thấy duy nhất Đinh Nga là đàn ông. Anh bảo: “Không có việc gì làm, ở nhà sợ cái rượu vào say mệt nên theo vợ lên rẫy. Gia đình gieo khoảng 20 cân nếp giống, được mùa tuốt gần 20 bao. Gạo nếp miềng là “đặc sản” nên ngoài việc để giống cho vụ sau thì cất lại, ăn gạo nhà nước. Có khách quý đến nhà, nấu đãi khách. Tiết kiệm rứa cũng ấm cái bụng khoảng 6 tháng”.
Tôi về xuôi, cây lúa rẫy trỉa muộn của đồng bào Ma Coong, A Rem xã Thượng Trạch, Tân Trạch dọc những vạt rừng hai bên đường xanh tốt, hứa hẹn được mùa. Được mùa đi, cho người Ma Coong, A Rem anh em bớt khổ.
"Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Hợp điện thoại cho tôi thông báo: Ảnh hưởng bão số 4 đã làm gãy đổ hết diện tích lúa rẫy trỉa muộn của bà con rồi anh ạ!
Lúa tốt như thế… tiếc đứt ruột. Vậy là năm ni khả năng mất trắng đến 50% diện tích".