Chương trình 135 – Chủ trương đúng đắn và nhân văn

Chương trình 135 đang được thực hiện ở giai đoạn III càng thể hiện rõ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống người dân ở các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

Giai đoạn I (1998 - 2006), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 1.870 xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới thuộc phạm vi của Chương trình 135. Các năm tiếp theo, do có sự chia tách và thành lập xã mới, nên số xã thuộc phạm vi Chương trình 135 đã vượt con số trên. Khi giai đoạn I kết thúc, Nhà nước đã chi khoảng 10.000 tỷ đồng, cả nước đã xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 25 nghìn công trình thiết yếu các loại, góp phần thay đổi đáng kể thay đổi bộ mặt miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cũng có đánh giá rằng hiệu quả của Chương trình 135 còn chưa cao, nhiều mục tiêu chưa thực hiện được.

Nếu ở giai đoạn I, Chương trình 135 tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; thì sang giai đoạn II (2006 - 2010) Chương trình 135 đã chuyển hướng đầu tư về xã, thôn đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Ở giai đoạn II, ngân sách Trung ương đã đầu tư 13.604,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất là 1.946,86 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng là 8.646,07 tỷ đồng (đã đưa vào sử dụng 10.242 công trình); đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng là 576,16 tỷ đồng; 1.896,92 tỷ đồng dành cho Chương trình hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật....

Tổng kết 5 năm triển khai Chương trình 135 đoạn II cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm 2006) xuống 28,8% (năm 2010). Thu nhập bình quân của đầu người đạt 4,2 triệu đồng/người/năm. Tăng tỷ lệ xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản đạt 80,7%, 100% xã có trạm y tế; 100% người dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Nhận định về kết quả của Chương trình 135 qua II giai đoạn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan nhận định: "Thành tựu mà Chương trình 135 giai đoạn I, II đã đạt được rất to lớn, song hiện nay, khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác trong cả nước vẫn còn chênh lệch khá xa. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân chung của khu vực nông thôn. Tỷ lệ nghèo các xã, thôn bản là 45%, nhiều xã lên tới 70 - 80%, khoảng 900.000 hộ ở mức cận nghèo. Theo khảo sát của Uỷ ban Dân tộc tại 50 tỉnh, 356 huyện, 1.848 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu cho thấy hiện còn: 149 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 67,2% thôn, bản chưa có đường trục giao thông được cứng hoá; 3.150 công trình thuỷ lợi cần được đầu tư; 202 xã chưa có điện đến trung tâm, 8.100 thôn, bản (38,6%) chưa được sử dụng điện; 32,2% số hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh….; trên 218 ngàn cán bộ cấp xã, thôn bản cần được tập huấn nâng cao kiến thức; trên 400 ngàn hộ có nhu cầu được đào tạo, tập huấn kiến thức làm ăn...".

Cũng theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, đến giai đoạn III (2012 - 2015), Chương trình 135 được thiết kế theo hướng đầu tư trực tiếp tới người dân. Sự thay đổi này là hợp lý khi Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận: Xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ, nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ lâu dài, trọng tâm để đồng bào có đủ "sức đề kháng" chống lại các yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên, khó khăn về kinh tế - xã hội nhằm từng bước phát huy nội lực, vươn lên phát triển bền vững. Nội hàm của Chương trình 135 có sự thay đổi so với hai giai đoạn trước, không chỉ bao gồm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên quan điểm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đủ lớn để địa bàn này đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020.

Trường học được đầu tư bằng vốn Chương trình 135 ở Lào Cai

Trong giai đoạn III, Chương trình 135 tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ 2 nội dung: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và Hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể, năm 2012 và 2013 thực hiện theo định mức và vốn đã được phân bổ; năm 2014 và 2015, tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013; các năm tiếp theo được bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Mục tiêu của chương trình là trong giai đoạn 2012 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 50% mức bình quân chung khu vực nông thôn cả nước, 50% trạm y tế được chuẩn hóa… Giai đoạn 2016 - 2020, tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn…

Việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III có những kết quả đáng kể, năm 2012 và 2013, Chương trình 135 được chuyển thành dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015, tổng số vốn thực hiện trong 2 năm là 4.984,236 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung chủ yếu vào 8 loại công trình thiết yếu, gồm: Đường giao thông đến thôn, bản; công trình thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ. Các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Trong 2 năm, đã xây dựng được 8.959 công trình, riêng năm 2013 đầu tư được 4.252 công trình trong đó giao thông 1.769 công trình, thủy lợi 970 công trình, điện 252 công trình, y tế 45 công trình, trường học 50 công trình, nước sinh hoạt tập trung 226 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng 96 công trình, 844 công trình khác và duy tu bảo dưỡng. Các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Năm 2014, ngân sách Trung ương đầu tư xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, đầu tư cho 2.331 xã và 3.509 thôn (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho 2.295 xã và 3.448 thôn; ngân sách địa phương đầu tư cho 36 xã và 61 thôn).

Trong 9 tháng đầu năm 2014, thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương đã đầu tư xây dựng 5.240 công trình, trong đó, khởi công mới 3.294 công trình; chuyển tiếp 1.055 công trình, duy tu bảo dưỡng 404 công trình, trả nợ 487 công trình đã hoàn thành; các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng năm 2014 tập trung chủ yếu vào đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học... Nhiều địa phương đã mạnh dạn giao cho xã làm chủ đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, một số địa phương đã phân cấp 100% cho xã làm chủ đầu tư như Phú Thọ, Kiên Giang... Thanh Hóa 92%, Quảng Ngãi 88%, Lạng Sơn 57%....

Theo đánh giá, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 49,2%, tỷ lệ tái nghèo khoảng 14,3%; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 50% so với thu nhập bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch rất thấp (13%), việc tiếp cận giáo dục của con em người dân tộc thiểu số thấp; các điều kiện sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, theo tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, nghèo dân tộc thiểu số bình quân khoảng 34,8%, bình quân mỗi năm giảm trên 3,5%.

Tuy nhiên, theo nhận định của Văn phòng Điều phối Chương trình 135, vẫn còn một số khó khăn, bất cập khi thực hiện Chương trình như: việc triển khai thiếu đồng bộ, nhất quán trong thiết kế Chương trình gây nhiều lúng túng, không chủ động cho các cấp thực hiện. Việc bố trí vốn hàng năm cho các địa phương chậm hoặc không đủ. Cơ chế quản lý, thực hiện thiếu, chậm được ban hành, thiếu đồng bộ, một số nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp với điều kiện thực tế đã gây ra không ít những khó khăn trong quản lý điều hành, hạn chế việc lồng ghép các chính sách và cân đối nguồn lực Chương trình. Địa bàn thực hiện Chương trình 135 là các xã, thôn đặc biệt khó khăn nên mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn, như: Điện Biên 35,22%, Sơn La 27,01%, Lai Châu 27,22%, Hà Giang 26,95%, Cao Bằng 24,20%... Nếu so với mục tiêu giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo thì chưa đạt được mục tiêu (khoảng 4%/năm) và chưa có xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do địa bàn thực hiện Chương trình 135 có điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở các xã 135 còn yếu; trình độ dân trí thấp....bên cạnh đó, có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước của nhiều bà con....Ngoài ra, việc cân đối, bố trí vốn cho Chương trình chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt, vốn cấp không đủ, không kịp thời, phải điều chỉnh bổ sung nguồn lực, kéo dài thời gian thực hiện hoặc thực hiện dở dang, khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Một số tỉnh đầu tư bằng ngân sách địa phương chỉ cân đối được 30% - 50% vốn đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn so với định mức.

Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng điều phối Chương trình 135 đã có nhiều giải pháp tích cực để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Đến nay, Ủy ban Dân tộc cũng đang đề nghị các tỉnh, thành địa phương rà soát các dự án đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các dự án còn dở dang, xây dựng mới đảm bảo hoàn thành dứt điểm trong năm 2015, không để tình trạng nợ đọng vốn ngân sách nhà nước; rà soát các xã, thôn đã hoàn thành mục tiêu chương trình 135 năm 2015.

Mặc dù chưa có kết quả cụ thể của Chương trình 135 giai đoạn III, nhưng rõ ràng, với bất cứ chính sách, chủ trương nào của Nhà nước, ngoài việc đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành chức năng, nhất là sự chủ động, sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, nơi thụ hưởng chính sách; còn cần phải có sự tích cực tham gia của bản thân người dân, họ phải coi đây là cơ hội thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần vào quá trình phát triển chung của đất nước./.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành