Chương trình 135 đạt nhiều kết quả trong xóa đói giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn

Trong 2 năm 2014-2015, ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ cho 2.295 xã và 3.448 thôn, ngân sách địa phương đầu tư cho 36 xã và 61 thôn. Ngân sách Trung ương bố trí được 7.790,5 tỷ đồng. Trong đó, mỗi năm đã phân bổ: xã đặc biệt khó khăn: 2.321,2 tỷ đồng; xã biên giới: 547,9 tỷ đồng; xã ATK: 258,9 tỷ đồng; thôn đặc biệt khó khăn: 753,9 tỷ đồng. Theo Quyết định 551 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bố trí 01 tỷ đồng/xã, 200 triệu đồng/thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất: 300 triệu đồng/xã, 50 triệu đồng/thôn; duy tu bảo dưỡng 63 triệu đồng/xã và 12,6 triệu đồng/thôn.

Căn cứ nội dung của Chương trình và nguồn kinh phí được phân bổ đến nay Chương trình đã đạt được một số kết quả sau:

Về Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất: tổng vốn giao l2.030 tỷ đồng, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ giống cây, con, hỗ trợ mua sắm máy móc trang thiết bị, công cụ phát triển sản xuất, chế biến, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng gia súc gia cầm, tổ chức 582 lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao kỹ thuật cho trên 275 ngàn lượt người… Thực hiện 117 dự án, 104 mô hình phát triển sản xuất tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp, chủ yếu ở các xã ATK, xã biên giới.

Trong qúa trình thực hiện Dự án đã lồng ghép với một số chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: chương trình khuyến nông, khuyến lâm trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, vốn vay... đến nay 100% xã, thôn bản thuộc diện hỗ trợ được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi tập quán sản xuất của đồng bào từ sản xuất nương, rẫy phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, canh tác một vụ, mang tính tự cung, tự cấp, chuyển sang thâm canh tăng vụ với những giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập cho người dân.

Về dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Tổng số vốn giao 5.760 tỷ đồng, đến nay các địa phương đã tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng được 6.221 công trình, trong đó, khởi công mới 3.287 công trình; chuyển tiếp 1.532 công trình; trả nợ các công trình đã hoàn thành 461 công trình, duy tu, bảo dưỡng 905 công trình. Nhiều địa phương đã giao cho xã làm chủ đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng như: Phú Thọ, Kiên Giang 100%, Thanh Hóa 92%, Quảng Ngãi 88%. Các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng tập trung chủ yếu là đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học…
Một số địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như: nông thôn mới, đóng góp của dân… đã tạo điều kiện hoàn thành nhanh các công trình: đường, trường, trạm… đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới (tỉnh Thái Nguyên, Trà Vinh…).

Cộng đồng thôn bản được tham gia từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn công trình theo thứ tự ưu tiên, tham gia xây dựng, giám sát thực hiện đến nhận bàn giao, quản lý, khai thác sử dụng nên các công trình được đầu tư cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Về duy tu, bảo dưỡng công trình: Ngân sách trung ương đã bố trí 361,5 tỷ đồng (bằng 6,3% vốn xây dựng cơ sở hạ tầng) từ nguồn vốn sự nghiệp. Hoạt động duy tu bảo dưỡng thực hiện ở tất cả các công trình có khối lượng nhỏ bao gồm: sửa chữa, khắc phục các công trình nước sinh hoạt, trường lớp học, đường giao thông... Việc duy tu bảo dưỡng chủ yếu do xã làm chủ đầu tư và được giao cho các nhóm thợ thuộc cộng đồng dân cư trực tiếp thực hiện. Nhờ vậy, hoạt động duy tu bảo dưỡng đã góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng công trình được đảm bảo đồng thời tăng thu nhập của người dân.

Đến nay, đã có trên 30 tỉnh xây dựng tiêu chí phân bổ vốn (hệ số K) trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của từng xã, thôn đảm bảo việc phân bổ kinh phí tại địa phương một cách linh hoạt, công bằng, tạo điều kiện tốt cho các xã, thôn bản có nhiều khó khăn được nhận nguồn lực đầu tư cao hơn.

Tuy nhiên, do các xã đặc biệt khó khăn tập trung số hộ nghèo, cận nghèo cao, cần hỗ trợ lớn, nguồn vốn hỗ trợ thấp, việc lồng ghép với các chương trình, chính sách trên địa bàn còn hạn chế nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Do định mức, nguồn vốn đầu tư thấp nên các công trình thường có quy mô nhỏ, khi gặp thiên tai dễ bị thiệt hại, hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, một số tỉnh đầu tư còn dàn trải, kéo dài thời gian nên phát huy hiệu quả chưa cao.

Chương trình 135 cùng với các chương trình, chính sách khác đã góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, từ tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 55% (năm 2012), đến nay còn 45%, bình quân mỗi năm giảm 3,5%/ năm; hệ thống điện, đường, trường, trạm được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Chương trình đã thực hiện phân cấp, trao quyền cho cơ sở: Theo kết quả báo cáo, đến nay có gần 100% xã làm chủ đầu tư dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng và trên 50% số xã làm chủ đầu tư dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc tăng cường phân cấp cho xã làm chủ đầu tư các công trình, dự án đã phát huy vai trò chủ động; từng bước nâng cao năng lực thực hiện cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Với sự đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 và các nguồn hỗ trợ khác đã góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi nói chung, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nói riêng, dự kiến đến hết năm 2015 có trên 200 xã đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên và có khoảng 80 xã hoàn thành mục tiêu của Chương trình.

Năm 2015 là năm cuối của giai đoạn 2012-2015, hầu hết các tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình như: rà soát các dự án đầu tư, phân bổ nguồn lực và tiếp tục triển khai các hạng mục còn dở dang của năm 2014 nhằm hoàn thành dứt điểm trong năm, không để tình trạng nợ đọng để bước sang giai đoạn mới 2016 – 2020.

Có thể khẳng định: Là một trong những chính sách dân tộc quan trong nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, Chương trình 135 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, giảm nghèo nhanh, tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn. Những nguyên tắc trong quá trình triển khai thực hiện như: “Ý Đảng, lòng dân”, tính công khai, minh bạch: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập”, phân cấp giao quyền cho địa phương “xã làm chủ đầu tư” thu hút được nguồn lực của các tổ chức quốc tế, sự tham gia đóng góp của cộng đồng và người dân… được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao./

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành