Chương trình 135 và cơ hội đột phá mới
Chương trình 135 (CT 135) giai đoạn III (2010- 2015) không chỉ góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn có vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế theo nhóm hộ. Đây là một trong những bước đột phá để CT 135 giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả cao hơn nữa.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO NGƯỜI DÂN
“CT 135 đã huy động sự tham gia
của người dân, hỗ trợ theo nguyện vọng của họ. Tuy nguồn vốn ít nhưng hiệu quả
cao, nhiều người được hưởng lợi bằng cách luân chuyển vốn”, ông Bàn Tài Pu, Chủ
tịch UBND xã Công Trừng, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng nhận xét.
Xã Công Trừng là 1 trong 3 xã của
huyện Hòa An thực hiện thí điểm Dự án Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội
nhằm tăng cường sự tham gia trực tiếp của đồng bào thực hiện CT 135 giai đoạn
III do Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Chính phủ Ai Len, Mạng An ninh lương
thực và giảm nghèo (CIFPEN) tài trợ.
Năm 2015, thôn Lũng Mải xây dựng
tiểu dự án nuôi dê sinh sản, với 6 hộ tham gia. Gia đình anh Sào Văn Quan và Sào
Tòn Chuổng là 2 hộ đầu tiên được nhận hỗ trợ từ tiểu dự án”. Tôi và anh Chuổng
đã góp thêm mỗi hộ 7 triệu để mua 8 con dê cái và 1 con dê đực. Bên cạnh đó, 2
gia đình cũng góp thêm công và đầu tư mua một số vật liệu để làm chuồng trại.
Tổng cộng chi phí cho đàn dê hơn 40 triệu đồng”, anh Sào Văn Quan cho biết.
Anh Sào Tòn Chuổng cũng phấn khởi
chia sẻ: “Sau gần 2 tháng chăn nuôi, đàn dê đã ổn định và phát triển. Do được tự
chọn giống, nên chúng tôi đã chọn một số con dê cái đang có chửa. Nay, có con dê
đã đẻ, đàn dê đã được bổ sung thêm mấy dê con. Hy vọng, sau hai năm nuôi đàn dê
này, thu nhập từ bán dê sinh sản sẽ giúp chúng tôi hoàn vốn vay, để cho các hộ
khác cũng được nhận vốn từ dự án. Việc quay vòng vốn sẽ giúp nhiều hộ nghèo
trong xã có cơ hội thoát nghèo như chúng tôi”
Hay như câu chuyện làm đường giao
thông nội đồng kết hợp với dân sinh ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh
Hóa. Chỉ với 35 triệu đồng tiền hỗ trợ ban đầu, sau 15 ngày vận động bà con
trong xã, Cẩm Thủy đã huy động được thêm 76 triệu đồng (chưa kể 700 công lao
động) để hoàn thành đoạn đường dài 200 m, rộng 2,5 m, kè đá 2 bên, cao 0,8 m so
với mặt ruộng, có 1 cống thoát nước…
Phát huy tính cộng đồng trong
việc xây dựng các công trình hạ tầng.
Chỉ với nguồn “vốn hạt giống” từ
25 - 35 triệu đồng, nhưng những câu chuyện có thật ở các địa phương đã cho thấy:
Nguồn lực trong cộng đồng là rất lớn, biết khơi thông, biết trao cho người dân
quyền quyết định và tinh thần làm chủ… chắc chắn những đồng vốn ít ỏi sẽ mang
lại hiệu quả cao.
Ông Bàn Tài Pu cho biết: “Dự án
thí điểm nuôi dê quay vòng vốn theo nhóm hộ, đã huy động được sự tham gia của
người dân, việc giao vốn xuống từng hộ đã khuyến khích người dân lựa chọn cách
thức đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, cán bộ xã có trách nhiệm họp dân, kiểm tra và
hỗ trợ kỹ thuật. Dó đó, chắc chắn đồng bào sẽ trả được vốn cho dự án”.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch
CIFPEN cho biết: Triển khai từ năm 2014, dự án đặt mục tiêu Phát triển cộng đồng
dựa vào nội lực và cung cấp cho cộng đồng các kỹ năng phân tích, phản hồi chính
sách, qua đó thúc đẩy cộng đồng tự lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển
cộng đồng dựa vào chính nội lực của mình. Theo đó, phát triển cách tiếp cận mới
nhằm giúp cộng đồng nhận biết và phát huy 6 nguồn lực cơ bản sẵn có để phát
triển sinh kế hiệu quả, bao gồm: Vốn nhân lực, vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn
tài chính, vốn xã hội và vốn văn hóa.
Với các hoạt động tập trung vào
việc nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội như: Hội phụ nữ, Nông dân, Cựu
chiến binh, Đoàn thanh niên…, trên cơ sở “Cầm tay chỉ việc”…, đến nay, hầu hết
những người dân tại các huyện Hòa An, Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) và Như Thanh, Cẩm
Thủy (tỉnh Thanh Hóa) được hưởng lợi từ dự án đều đã có những thay đổi quan
trọng trong nhận thức. Thay vì tâm lý thụ động trước kia, giờ đa phần người dân
đều hiểu rằng: “Công trình là của chính họ, sinh kế là để nuôi sống họ chứ không
phải là công trình hay sinh kế của CT 135”.
Ông Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng
điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc đánh giá: “Những mô hình kinh tế có
sự tham gia trực tiếp của đồng bào thời gian qua, có thể lựa chọn để nhân rộng.
Đây là kinh nghiệm quý để thực hiện được việc nâng cao năng lực cho cộng đồng
trong thực hiện CT 135 giai đoạn 2016 - 2020”.