Chương trình 135 và cơ hội đột phá mới - Bài cuối
Chương trình (CT 135) giai đoạn 2016 - 2020 đang trong quá trình lấy ý kiến để đưa ra báo cáo khả thi và thông tư hướng dẫn trình Chính phủ ban hành. Ông Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135 (Ủy ban dân tộc) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả CT 135 giai đoạn tới.
PHÂN CẤP MẠNH CHO ĐỊA PHƯƠNG
Việc xây dựng, thiết kế CT 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã rút ra
được những kinh nghiệm gì ở các giai đoạn trước, thưa ông?
Quá trình thực hiện CT 135 các giai đoạn trước đã đạt được
những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết. Về
nguồn vốn, dù đã có chủ trương phân bổ dựa trên mức độ khó khăn và điều kiện
kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, nhưng trong thực tế phân bổ vốn
theo chủ trương này chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn giữa các
tiểu dự án trong CT 135 cũng chưa thực hiện được theo hướng cho phép linh hoạt
để phù hợp với các điều kiện thực tế. Có tình trạng các địa phương tìm cách cân
đối nguồn lực cho các địa bàn theo cách nếu đã thụ hưởng CT 135 thì sẽ hạn chế
trong thụ hưởng các nguồn lực khác.
Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng tối thiểu 2/3 tổng nguồn
vốn của CT 135, nhưng đều thực hiện thông qua hình thức lựa chọn nhà thầu. Do
các công trình được các nhà thầu thực hiện, nên có nhiều chi phí trung gian, hạn
chế tính sở hữu và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình triển khai.
Đối với các hoạt động hỗ trợ phát triển
sản xuất, cách thức hỗ trợ căn cứ vào nhu cầu người dân, mua cấp phát cây, con
giống, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị, người hưởng lợi không được ưu tiên
tự chủ trong lựa chọn và mua các đầu vào. Kiểu “cấp phát” dẫn đến tâm lý ỷ lại,
hạn chế sự chủ động của đối tượng hưởng lợi trong phát huy những kiến thức bản
địa trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Còn một số vấn đề khác như cơ chế phát huy vai trò của cộng
đồng nhưng chưa được phát huy triệt để, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn;
nhạy cảm dân tộc, giới; hoạt động nâng cao năng lực cho cộng đồng chưa được xác
định là một ưu tiên quan trọng.
CT 135 giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được thiết kế để nâng
cao khả năng làm chủ của người dân, vậy người dân sẽ được tham gia như thế nào,
thưa ông?
Với mục tiêu thúc đẩy giảm nghèo nhanh, và bền vững tại các
xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và thôn bản đặc biệt khó khăn,
CT 135 sẽ gồm ba tiểu dự án tập trung vào các nội dung:
Tiểu dự án 1 là xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn bản phục
vụ sản xuất và nâng cao đời sống của người hưởng lợi theo phương châm xã/thôn
bản có công trình, dân có việc làm và thu nhập, do cộng đồng thực hiện. Chỉ với
các công trình có giá trị cao, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp mới lựa chọn nhà
thầu để thực hiện. Với các công trình giao cho cộng đồng tự thực hiện, thực hiện
cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thủ tục thanh
quyết toán tạo điều kiện cho cộng đồng tự thực hiện.
Tiểu dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập khuyến
khích hỗ trợ theo tổ nhóm sinh kế cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Xóa
bỏ cơ chế cho không, tăng cường đóng góp của người hưởng lợi trong các hoạt
động. Đặc biệt, sẽ triển khai các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ
tầng có sự tham gia trực tiếp của người dân để họ làm chủ đồng vốn được hỗ trợ
cũng như các công trình mà họ được hưởng lợi.
Tiểu dự án 3 là nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng (tiểu
dự án này CT 135 giai đoạn III không có) để đáp ứng yêu cầu làm chủ đầu tư của
đồng bào và cộng đồng cũng như nâng cao năng lực làm chủ đầu tư của UBND các xã
để đối tượng thụ hưởng tích cực tham gia vào lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các
hoạt động của chương trình.
Ông có thể cho biết CT 135 giai đoạn 2016 - 2020 có những điểm
mới khác biệt gì và điểm nhấn ở giai đoạn này là gì?
Từ năm 2016, về mặt tổ chức chỉ còn một ban chỉ đạo chung cho
2 chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới
có sự tham gia của các bộ, ngành. Ở địa phương cũng chỉ chung một ban chỉ đạo.
Mặc dù chương trình chưa được phê duyệt, nhưng Chính phủ đã
phân bổ kinh phí cho các địa phương, với tổng mức gần 90% của năm 2016. Chính
phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn tạm thời để các địa phương chủ
động triển khai song song với CT 135 giai đoạn III. UBDT cũng đã ban hành văn
bản 146 hướng dẫn các địa phương triển khai CT 135 với nguồn lực đã được phân bổ.
Điểm mới nữa là phân cấp mạnh cho các địa phương, trên cơ sở
lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách,
các nguồn lực đóng góp của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng.
Tiểu dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở là
điểm quan trọng thúc đẩy phát triển và giảm nghèo bền vững. Hợp phần này giúp
các cán bộ cơ sở, đặc biệt là xã, thôn, người dân có thể nắm bắt thêm thông tin
và cách tiếp cận các nguồn lực giảm nghèo.
Trân trọng cảm ơn ông!