Chuyện làm giàu của người Cao Lan ở vùng hồ Thác Bà
Nằm ở phía Tây dãy Cao Biền - một trong hai dãy núi bao quanh hồ Thác Bà; thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 183 hộ sinh sống, chủ yếu là đồng bào Cao Lan.
Trước đây, người dân trong làng
mưu sinh dựa vào đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ, thu nhập không ổn định, đời
sống gặp vô vàn khó khăn. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân trong làng
đã đổi thay nhờ trồng rừng, tận dụng mặt nước để nuôi cá lồng kết hợp với chăn
nuôi đại gia súc trên đảo hồ.
Gia đình ông Trần Văn Thịnh, ở
thôn Mạ, bắt đầu chuyển đổi từ nghề chài lưới sang nuôi cá lồng và trồng rừng
được hơn 10 năm, nhưng thực sự trở thành hộ khá cũng chỉ chừng 7 - 8 năm nay. Là
một trong những người nuôi cá lồng trên hồ đầu tiên của thôn Mạ, chỉ với hai
lồng cá, mỗi năm ông Thịnh thu về cả trăm triệu đồng. Từ cá lồng, kết hợp với
trồng rừng, ông Thịnh đã xây nhà, sắm sửa đồ đạc đầy đủ, thậm chí 3 người con
trai lập gia đình ở riêng cũng được ông xây cho mỗi người một ngôi nhà khang
trang.
Theo ông Thịnh, nuôi cá lồng hiệu
quả rất cao, trừ chi phí thì mỗi lồng cá người dân cũng lãi 40 triệu đồng/năm.
Riêng nuôi một lồng cá trắm, nếu chăm tốt sản lượng cũng đạt 700 - 900 kg, giá
thị trường 65.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng thu về trên 50 triệu đồng. Tuy
nhiên, nuôi cá lồng cũng có những rủi ro nhất định, nhất là về con giống. Mới
đây, ông Trần Văn Thịnh đã tập hợp được 21 hộ dân trong thôn thành lập Hợp tác
xã nuôi trồng thủy sản thôn Mạ. Hợp tác xã này vừa cung cấp con giống sạch, giá
hợp lý cho người dân, đồng thời có nhiệm vụ quảng bá và xây dựng thương hiệu cá
lồng sạch để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế cho
nghề nuôi cá lồng trên hồ.
Còn gia đình ông Lê Văn Đồng và
một số hộ khác lại thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê. Trước năm 2003, gia đình ông
Đồng là một trong những hộ nghèo nhất thôn, chỉ sau 4 năm nuôi dê, gia đình ông
Đồng trở thành hộ khá. Đến nay, gia đình ông Đồng được xếp vào “tốp” người giàu
nhất ở làng Mạ.
Mô hình nuôi cá tầm trong lòng
hồ thủy điện mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đồng nhớ lại, năm 2003, ông
bỏ ra mấy chục ngàn mua được 2 con dê đực còi cọc và bị ghẻ. Lúc đó ông cũng
chẳng nghĩ con dê sẽ làm mình đổi đời. Mua được dê, hai vợ chồng ông Đồng dành
thời gian chăm sóc cặp dê. Ông mua thuốc ghẻ về tiêm cho chúng, chỉ vài ngày sau
cặp dê bắt đầu mọc lông, các vết ghẻ cũng dần lặn mất, vài tháng sau chúng trở
nên béo tốt, lớn rất nhanh. Vì giá dê rẻ nên ông ra thị trấn Thác Bà đổi lấy một
cặp dê khác với hi vọng nhân rộng đàn dê. Trong năm đầu, cặp dê đã sinh sản được
3 con. Sau 3 năm ông Đồng đã có đàn dê trên 20 con. Liên tục trong nhiều năm,
đàn dê phát triển rất nhanh, mỗi năm ông bán trên 60 con dê với giá từ 2 - 2,5
triệu đồng/con, thu về trên 100 triệu đồng.
Còn anh Lê Văn Thức, thôn Mạ, lại
phát triển kinh tế bằng hình thức trang trại tổng hợp: đó là trồng rừng kết hợp
với chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá lồng. Anh Thư cho biết: “Từ năm 2013 đến
nay, bằng phát triển mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình tôi thu lãi chừng 300
triệu”.