Có đường mới thông thương
Trước đây, chỉ để vận động người dân chuyển từ giống ngô địa phương sang giống ngô hàng hóa cũng phải mất 10 năm. Giờ mọi chuyển biến của bà con đều chỉ trong một thời gian ngắn. So sánh thế để thấy nhận thức của người dân đã thay đổi như thế nào.
Đồng bào đã tích cực tham gia làm đường giao thông, chủ động
đề xuất cách thoát nghèo”, ông Vũ Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán,
huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ.
Với một xã có 100% là người dân tộc thiểu số (DTTS), tỉ lệ hộ
nghèo vẫn còn cao như Quan Thần Sán, cách nhanh nhất để bứt lên là thay đổi cách
thức sản xuất. Cách đây 3 năm, từ nhu cầu của người dân và qua đánh giá hiệu quả,
xã đã triển khai hỗ trợ người dân trồng cây lê để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Gia đình anh Tráng Chín Liềng, ở thôn Lao Chải, là hộ trồng
nhiều nhất trong xã, với hơn 800 gốc lê. Sau 3 năm chăm sóc, đồi lê của Liềng có
cây đã cao gấp đôi chủ của nó và 1/4 vườn đã cho thu hoạch. “Trung bình, một cây
năm đầu tiên ra trái cũng được khoảng 8 kg, những năm sau sẽ nhiều hơn, có thể
là gấp đôi và cứ thế, cây càng to thì càng nhiều quả hơn. Với giá 18.000 đồng/kg
tại vườn, năm nay em cũng thu đủ số vốn đối ứng đầu tư giống cây và phân bón hơn
3 năm qua khoảng 20 triệu đồng”, Liềng nhẩm tính.
Cùng với nhiều mô hình làm kinh tế khác như chăn nuôi bò, vịt,
trồng thảo quả, mận, đời sống của người dân ở Quan Thần Sán đang từng ngày thay
đổi. Tuy nhiên, nếu không có đường giao thông nông thôn, nông sản của đồng bào
khó tiêu thụ và bị ép giá, nên thời gian qua Quan Thần Sán tập trung phát triển
hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ.
Phát triển cây lê hàng hóa ở Quan Thần Sán
Dạo một vòng xã Quan Thần Sán, mạng lưới đường giao thông đã
phủ kín các thôn, bản. Đối với một xã đặc biệt khó khăn, lại ở huyện nghèo như
Si Ma Cai, là cả một bước đột phá lớn. Ông Vũ Văn Sơn cho biết: “Mấy năm trước,
đường đến trung tâm xã còn khó, chứ nói chi đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Có
được như thế này là nhờ quyết tâm của Nhà nước và người dân. Chúng tôi đã phát
động phong trào “Mình làm đường cho mình đi” sâu rộng tới tất cả thôn, bản; lấy
trưởng bản, già làng, dòng họ làm hạt nhân để vận động, tuyên truyền và tổ chức
bà con mở đường giao thông. Và đã thành công hơn mong đợi”.
Lúc mới triển khai xây dựng NTM, đường vào trung tâm xã Quan
Thần Sán chưa được mở, nên xe chở cát đến được nơi phải mất 1 ngày, nhưng cũng
chỉ chở được 8 khối. Được hỗ trợ xi măng, cát, đá, người dân luân phiên làm
đường, nhưng cả một năm ròng rã cũng chỉ làm được hơn 1 km. “Nhận thấy phương
pháp này hiệu quả không cao, xã vận động bà con đóng góp, để thuê đội xây dựng
do chính người dân địa phương tham gia làm liên tục, dứt điểm từng con đường. Xã
cử cán bộ hỗ trợ về kỹ thuật. Sau 3 năm thực hiện, không cần cán bộ kiểm tra,
các thôn tự bầu ra ban vận động, ban giám sát, công khai các khoản tài chính để
người dân giám sát, kiểm tra”, ông Sơn cho biết.
Ông Tráng Seo Tú, Bí thư Chi bộ thôn Lao Chả cười vui: “Nhờ
có đường, ngô, lợn, gà của chúng tôi không còn bị tư thương ép giá nữa, mới có
tiền mua tiện nghi sinh hoạt, xây dựng nhà cửa kiên cố”. Cả thôn của ông Tú có
50 hộ, nhưng chỉ còn 8 hộ nghèo: “Đường cứ thông hết thì chẳng mấy chốc mà các
hộ sẽ thoát nghèo. Bà con giờ chỉ nghĩ làm thế nào để tăng năng suất cây trồng
thôi”, ông Tú cho biết.
Ở miền núi có mảnh đất bằng phẳng để làm nhà, làm nương không
phải dễ, nhưng để làm đường bê tông liên thôn, đã có nhiều hộ tự nguyện tháo dỡ
tường rào, hiến đất để làm. Toàn xã có 8 hộ hiến được 2.380m2 đất, trong đó các
ông: Thào Seo Pao hiến 1.000m2 đất; Lừu Seo Pùa hiến 700m2...
“Từ thực tế, chúng tôi nhận ra rằng, chỉ cần người dân đồng
lòng, việc gì khó cũng sẽ thành công. Do vậy công tác dân vận, nói dân nghe, dân
hiểu là rất quan trọng”, ông Sơn chia sẻ.