Con kênh mang no ấm về bản
Bà con bản Nà Nuông Trên, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) vẫn thường gọi con kênh mới được bê tông hóa dẫn nước dài gần 2 km từ năm 2012 (nguồn vốn CT 135), uốn lượn quanh triền núi dẫn nước về những thửa ruộng bậc thang ở bản với cái tên như thế. Bởi, nhờ con kênh mà bà con có thể tăng diện tích sản xuất lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, năng suất lúa tăng gấp đôi (từ hơn 1 tấn lúa lên hơn 2 tấn). Với năng suất này, nhiều hộ trong bản đã thoát được tình trạng đứt bữa giáp hạt.
Chúng tôi đến bản Nà
Nuông Trên đúng vào dịp bà con đang vào vụ cấy cày. Nhìn những thửa ruộng bạc
thang nằm lưng chừng núi đầy ắp nước mà tôi không khỏi ngạc nhiên. Chỉ tay vào
con kênh dẫn nước về ruộng, chị Hoàng Thị Thanh, Phó phòng Dân tộc huyện Bình
Liêu vui vẻ nói: Nhờ con kênh bê tông mới được xây dựng năm 2012 này mà mấy năm
trở lại đây, bà con không còn phải nạo vét, be bờ, thức đêm để dẫn nước về
ruộng nữa. Đến mùa vụ, nước được dẫn về từng thửa ruộng. Đủ nước và cấy đúng
mùa vụ nên năng suất cây lúa của bà con giờ cao hơn trước đây rất nhiều.
Ngắt lời chị Thanh,
trưởng bản Bế Văn Mản nói thêm: Hiện, cả bản có 78 hộ, chủ yếu là bà con dân
tộc Tày, với hơn 7 ha đất trồng lúa nước. Khi chưa có con kênh bê tông này, bà
con trong bản chỉ cấy tổng diện tích là 6 ha. Trong đó, 3 ha lúa trồng được 2
vụ và 3 ha chỉ cấy được 1 vụ. Vì thế, nhiều hộ bị thiếu đói. Nay thì khác, nước
tưới tiêu đủ, kịp mùa vụ và hầu hết bà con đã cấy được 2 vụ lúa nên trung bình
sản lượng lúa/hộ/khoảng 4000m2 đạt khoảng 2 tấn/vụ. Đủ lúa ăn quanh năm, bà con
yên tâm tập trung vào phát triển chăn nuôi.
Ý nghĩa hơn là ngoài
việc đưa nước về ruộng nhanh, thuận tiện, con kênh còn tác động gián tiếp đến
sự thay đổi nhận thức trong canh tác của bà con nơi đây. Đó là sự áp dụng khoa
học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con đã biết chọn lựa loại giống có năng suất cao,
chất lượng gạo ngon, ít sâu bệnh như Bao Thai thay thế các loại lúa truyền
thống trước đây; sử dụng máy móc vào cày bừa thay sức kéo của trâu, bò; bón đủ
phân, đúng thời kỳ sinh trường của lúa… Những điều này đã tác động lớn đến sự
thay đổi năng suất cây lúa.
Ngoài ra, tận dụng
nguồn nước dồi dào, nhiều hộ trong bản đã phát triển thêm nghề nuôi cá. Nhờ
nguồn nước suối không nhiễm bẩn nên cá ở bản Nà Nuông Trên nhanh lớn, chất
lượng thịt ngon. Có những con cá to đạt trọng lượng trung bình từ 6-7 kg/con,
với giá bán từ 80-100 nghìn đồng/kg thì mỗi con bà con cũng thu về 500-700
nghìn đồng/con. Nổi tiếng là cá ngon nên mỗi dịp tết đến, xuân về là nhiều
khách tìm về Nà Nuông Trên để tìm mua cá.
Trưởng bản Mản nói
tiếp: Cả bản bây giờ chỉ còn có 8 hộ nghèo. Phần lớn là do các thành viên trong
gia đình có sức khỏe không tốt. Ví như hộ Chu Ngọc Hà, cả hai vợ chồng quanh
năm đau yếu, vì thế cái nghèo mới đeo bám.
Qua tìm hiểu, chúng
tôi được biết, ngoài sự phấn khởi vì có “con kênh no ấm”, 8 hộ nghèo trong bản
mới đây còn nhận được sự hỗ trợ phân bón của nhà nước qua CT 135. Ông Hoàng
Vĩnh Phong chia sẻ: Vụ cấy này, chúng tôi không phải vay mượn, thậm chí là vay
trả lãi để mua phân bón về trồng lúa. Có đủ phân bón, gia đình sẽ không phải
bón “tiết kiệm” như trước đây mà tiến hành bón đủ để cây lúa cho năng suất cao
nhất.
Với các nguồn thu từ
lúa, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, cá, đời sống của bà con nơi đây đã dần được
tăng lên. Một số hộ đã xây được nhà cao tầng, kiên cố, mua sắm được nhiều vật
dụng đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, xe máy... và có đồng ăn, đồng để dành, cho
con học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, đổi thay dễ
nhận thấy nhất khi đến bản là con đường đất đỏ, nhỏ hẹp, lầy lội khi mưa xuống
dẫn vào bản trước đây nay đã được bà con đóng góp công, của để bê tông hóa. Nhờ
thế mà xe máy đã đi được đến từng nhà.