Đà Bắc thực hiện tốt Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135
Đà Bắc là một trong những huyện của tỉnh Hòa Bình có nhiều xã, xóm thuộc diện 135. Thời gian qua, huyện đã làm tốt trong việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân thuộc Chương trình 135. Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân đã được hưởng lợi từ việc tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón, mua sắm thiết bị, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
Trưởng phòng Dân tộc
huyện Đà Bắc Xa Hữu Ban cho biết, Đà Bắc là huyện nghèo của tỉnh với 14/20 xã,
thị trấn trong diện đặc biệt khó khăn. Cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 46,14% tỷ
trọng; hơn 80% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tỷ lệ hộ
nghèo, cận nghèo chiếm 66,68%. Nhằm từng bước giúp các, hộ dân thuộc các xã,
xóm trong vùng 135, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều biện pháp tích cực
để đưa đời sống nhân dân ngày một nâng cao, từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội của
địa phương phát triển. Trên cơ sở đó, Đà Bắc đã thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ
trợ phát triển sản xuất cho nhân dân tại các xóm, xã vùng đặc biệt khó khăn. Từ
nguồn kinh phí được cấp, huyện đã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học
kỹ thuật về hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ mua phân bón, mua giống
lúa, ngô, chè Shan tuyết; mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản
xuất...giúp hàng nghìn hộ dân hưởng lợi.
Từ năm 2014 đến nay,
tổng kinh phí thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn
là hơn 3 tỷ đồng; kinh phí cho thôn đặc biệt khó khăn là hơn 230 triệu đồng.
Trong đó, có 6 xã Trung Thành, Yên Hòa, Đoàn Kết, Mường Chiềng, Giáp Đắt và Tân
Pheo là giao cho xã làm chủ đầu tư; số xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn là
Toàn Sơn, Cao Phong và Hiền Lương; số xã còn lại huyện giao cho Ban quản lý dự
án Chương trình 135 huyện làm chủ đầu tư. Từ nguồn đồng vốn đó, huyện đã hỗ trợ
mua giống lúa thực hiện cấp cho 2.693 hộ với 4.743 kg; hỗ trợ giống ngô thực
hiện cấp cho 4.267 hộ với 11.596 kg; hỗ trợ mua phân bón thực hiện cấp cho
4.591 hộ với 104.939 kg; hỗ trợ mua cá giống thực hiện 26 lồng với 520 kg, bình
quân 20 kg/lồng/nhó hộ với số hộ được hưởng lợi là 130; mở 4 tập huấn chuyển
giao khoa học về hoạt động khuyến nông, khuyến lâm với 200 người dân được tham
gia. Đối với các dự án do xã làm chủ đầu tư đã hỗ trợ mua giống lợn nái với 48
con cấp cho 32 nhóm hộ, trong đó 157 hộ hưởng lợi; mua phân bón cấp cho 840 hộ
với 18.216 kg; hỗ trợ giống lúa thực hiện mua hỗ trợ cho 302 hộ với 1.030 kg;
hỗ trợ mua ngô giống với 110 kg cho 7 hộ; hỗ trợ mua cây chè thực hiện cấp cho
123 hộ với 38.130 cây; hỗ trợ mua máy tuốt ngô với 3 chiếc cho 138 hộ hưởng
lợi; hỗ trợ mua máy cày với 1 chiếc cho 32 hộ hưởng lợi; hỗ trợ mua máy chế
biến thức ăn gia súc với 2 chiếc cho 80 hộ hưởng lợi.
Anh Xa Văn Huy, xã
Hiền Lương huyện Đà Bắc cho biết: “Hiện nay gia đình tôi đang nuôi 16 lồng cá
trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Các loại cá được nuôi chủ yếu là lăng, chiên,
diêu hồng, tầm. Do có nguồn nước sạch tự nhiên, nguồn sinh thủy dồi dào nên cá
rất chóng lớn, cho năng suất, chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi năm, 16 lồng cá trung bình bán ra thị trường được khoảng 6 đến 7 tấn, thu
về khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí có lãi gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, khi
mới bước vào nuôi cá, tôi còn khá bỡ ngỡ trong cách chăm sóc, phòng trừ bệnh,
dịch cho cá. Nhưng nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ từ Dự án hỗ
trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 tôi đã có thêm nhiều kiến thức trong
phòng ngừa dịch, bệnh cho cá. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông cũng thường xuyên
bám sát địa bàn để hướng dẫn gia đình tôi cách chăm sóc cá để đạt năng suất,
chất lượng tốt nhất.
Có thể nói, Dự án hỗ
trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn huyện Đà Bắc thời
gian qua đã được nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn
đồng tình ủng hộ. Những kết quả mà chương trình mang lại đã góp phần thiết thực
trong việc xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời mang lại cơ sở vật chất cho vùng đồng
bào các dân tộc, thúc đẩy sản xuất phát triển góp phần cải thiện bộ mặt nông
thôn miền núi, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện theo từng năm.
Tuy nhiên, theo ông Xa Hữu Ban, việc thực hiện dự án cũng còn gặp nhiều khó
khăn do chăn nuôi có dịch bệnh xảy ra nguyên nhân là do người nuôi chưa chú
trọng về công tác phòng bệnh. Trong phát triển nghề nuôi cá lồng, huyện chưa có
cơ sở ươm cá giống; diện đối tượng đầu tư rộng nguồn kinh phí bố trí chưa đáp
ứng được nhu cầu sản xuất của người dân nên việc thực hiện chương trình gặp
nhiều khó khăn. Các dự án giao cho xã làm chủ đầu tư thường triển khai chậm;
công tác thông tin, báo cáo của xã chậm hoặc không đầy đủ; thậm chí có một số
xã không có báo cáo và không thực hiện được khâu quyết toán cũng ảnh hưởng đến
việc chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, kinh phí hoạt động của cơ
quan thường trực không có nên việc đi kiểm tra, giám sát các xã còn gặp nhiều
khó khăn.