Đa Phước, những bước đi xóa nghèo

Không còn hộ thiếu đói, tất cả bà con nghèo, cận nghèo có cuộc sống tốt hơn; không để người dân trong xã phải sống nhà tạm bợ; mỗi đảng viên kèm một hộ khó khăn... là những quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền xã Đa Phước (An Phú, An Giang) trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Đa Phước đổi thay

Chúng tôi về xã Đa Phước (huyện An Phú, An Giang) khi xã đang tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 12, nhiệm kỳ 2015-2020. Đảng bộ Đa Phước được chọn đại hội điểm bầu trực tiếp chức danh bí thư, phó bí thư, ban thường vụ tại đại hội.

Theo lãnh đạo Huyện ủy An Phú, sở dĩ chọn Đa Phước làm đại hội điểm vì nhiều lý do, trong đó có lý do đây là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí của đảng bộ trong chăm lo cho nhân dân.

Quyết tâm xóa hộ nghèo của Đảng bộ Đa Phước được thực hiện theo phương châm "lắng nghe, chia sẻ, cho cần câu và bày cách câu cá to, cá tốt". Dẫn chúng tôi đi thăm bà con, đồng chí Phạm Tấn Thời, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Đa Phước hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung đời sống bà con đã cải thiện đáng kể. Có được điều đó là cả quá trình, nhưng cái cốt lõi là mình phải hiểu dân anh ạ. Không hiểu bà con đang cần gì, muốn gì mà cứ áp đặt từ trên xuống sẽ không mang lại đời sống tốt hơn cho bà con, có khi còn ngược lại, bà con quay lưng với chính sách là nguy".

Ông Võ Hoàng Nam, 55 tuổi (ngụ tổ 38, ấp Hà Bao 1), một trong những hộ thoát nghèo nhờ những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương nói: "Gia đình tôi trước đây nghèo lắm, mái nhà còn không có, mơ đâu chuyện thoát nghèo, cho con cái đi học đầy đủ. Vậy mà nhờ mấy anh ở xã thương cảnh nghèo khó, giúp cái sổ hộ nghèo, rồi cho vay vốn nuôi mấy con heo. Tích cóp vậy mà giờ đã có bầy heo hơn 20 con, đứa con gái út còn học được y sĩ làm việc bên thành phố Châu Đốc. Mỗi năm thu nhập cũng ngót nghét trăm triệu. Có mơ tôi cũng chẳng nghĩ được có ngày hôm nay". Lần giở quyển sổ hộ nghèo năm 2013, trong mái nhà khang trang được địa phương hỗ trợ từ chương trình 167, vợ chồng ông Nam bảo với chúng tôi rằng, "tôi giữ lại để làm kỷ niệm và nhắc nhớ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để vươn lên làm giàu và giúp bà con xóm giềng cùng thoát nghèo".

Chia tay gia đình ông Nam, chúng tôi về thăm xóm Chăm Hà Bao, ông Mách Ta Rết (88 tuổi, ngụ ấp Hà Bao 2) tâm sự: "Đời tôi qua bao thăng trầm cùng cộng đồng dân tộc Chăm nơi đây có bao giờ nghĩ ngày hôm nay tất cả con em, cả trai lẫn gái đều được đi học, ở trường lớp khang trang. Rồi điện, nước sạch nữa cũng đầy đủ. Tất cả nhờ Đảng, Nhà nước giúp bà con rất nhiều". Đồng chí Du Số, Phó Chủ tịch MTTQ xã Đa Phước, một trong những cán bộ trẻ người dân tộc Chăm cùng Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Tấn Thời dẫn chúng tôi tham quan làng Chăm và tâm sự: Bà con đồng bào Chăm hôm nay dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ý thức vươn lên trong cuộc sống rất đáng trân trọng.

Nếu trước đây họ chỉ ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước thì giờ đây họ đã biết tự thân vận động, tìm hướng đi riêng để cải thiện cuộc sống. Điều đặc biệt hơn cả là 100% con em đồng bào dân tộc Chăm nơi đây đều được đến lớp.

Anh Châu Văn Mohamad, một trong những thanh niên vừa thoát nghèo bền vững trong cộng đồng hồ hởi: "Nhà khó khăn, làm thuê làm mướn cũng chật vật. Thấy mình khó nên ấp, xã đề xuất cho vay 5 triệu đồng trả chậm để mua chiếc xe gắn máy vừa chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, vừa lấy hàng rau cải về cho bà xã bán kiếm đồng ra đồng vô. Mình chịu khó làm ăn, tiết kiệm nên bây giờ trả được vốn vay, có thêm chiếc xe máy và nhất là mấy đứa con đều được đi học. Năm rồi thấy nhà mình dột nên xã còn giúp thêm cho cái nhà 167 rất tốt". Anh Trần Minh Trung, Bí thư kiêm Trưởng ấp Hà Bao 2 cho hay, Hà Bao 2 là ấp duy nhất có đồng bào Chăm của Đa Phước. Bà con đồng bào Chăm trước đây có tổng cộng 35 hộ nghèo, nhưng đến năm 2014 vừa qua đã có 18 hộ thoát nghèo, trong đó chỉ có 8 hộ nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, còn lại là bà con tự lực vươn lên. Trong làng hiện nay gần như đã xóa trắng nhà tạm bợ, tất cả bà con đều có nhà ở tương đối ổn định. Tỷ lệ bỏ học rất thấp. Điểm đặc biệt là nhiều em hoàn thành xong bậc THCS, THPT đã thi đậu vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và giờ làng Chăm đã có gần chục bác sĩ, kỹ sư là con em đồng bào dân tộc.

Kế hoạch xóa nghèo

Dẫu công tác giảm nghèo ở Đa Phước đã và đang đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn rất nhiều điều mà Đảng bộ, chính quyền nơi đây cần làm khi hiện thực hóa mục tiêu xóa trắng hộ nghèo trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: "Biết còn nhiều khó khăn nên anh em trong Ban thường vụ, Ban chấp hành luôn đau đáu nhiệm vụ và phương cách giúp bà con xóa nghèo bền vững. Từ kinh nghiệm thực tiễn, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch số 16-KH/ĐU về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững bằng việc phân công mỗi đảng viên kèm cặp, xóa một hộ nghèo và sẽ chính thức thực hiện trong nhiệm kỳ 12 (2015-2020). Xã đã thành lập và hoàn chỉnh công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo về mong muốn làm ăn, khó khăn đang gặp... để bàn phương cách giúp đỡ. Phương châm là xóa nghèo bằng cách "cho cần câu, không cho con cá nữa". Quyết tâm phải làm và nhất định phải làm thành công". Nghị quyết cho nhiệm kỳ từ nay đến năm 2020 của Đa Phước là giảm từ 1,5 đến 2,5% hộ nghèo nhưng theo đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Dũng thì "phải hơn con số đó và đã thoát nghèo thì không được tái nghèo. Đảng viên kèm cặp mà để xảy ra tái nghèo thì không xét thi đua...!".

Điểm sáng trong phong trào xóa nghèo bền vững ở Đa Phước chính là việc xã xây dựng thành công Quỹ vì người nghèo 6 tỷ đồng. Có mặt tại lễ trao quà và tặng bò, heo xoay vòng cho hộ nghèo, đặc biệt khó khăn năm 2015, đồng chí Lê Huệ Yến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay, đây không chỉ là phong trào mà còn là quyết tâm hành động cụ thể giúp bà con có công ăn, việc làm nhằm ổn định cuộc sống. Anh Phan Văn Đựng, ngụ ấp Hà Bao 1, hộ đầu tiên nhận bò từ sự hỗ trợ của xã hết sức vui mừng: "Có bò rồi mình ráng chăm sóc cho nó mau sinh con giúp gia đình có thêm thu nhập. Mình làm tốt để nhanh trả lại bò cho xã hỗ trợ người khác. Gia đình cảm ơn xã nhiều lắm!".
Song song với việc đưa ra nghị quyết về xóa nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã Đa Phước cũng đang tiến hành vận động các mạnh thường quân, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020 phải sửa chữa, cất mới được 20 căn nhà tình nghĩa và 50 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn chưa có nhà ở ổn định.

Một nhiệm kỳ mới với nhiều nhiệm vụ chính trị nặng nề mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 12 nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra đang đặt ra nhiều thách thức với Ban chấp hành, Ban thường vụ Đảng bộ xã Đa Phước. Trong đó, việc chăm lo cho nhân dân có được cuộc sống ấm no, thóc gạo luôn vun đầy, con cái được học hành, mái nhà không dột nát... sẽ là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà chúng tôi tin tưởng Đa Phước sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành