Đạ Tẻh tích cực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Ở huyện Đạ Tẻh, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 23,96%, trong đó đồng bào gốc Tây Nguyên chiếm 5,87%. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương Đạ Tẻh rất quan tâm đến đời sống đồng bào DTTS bản địa Tây Nguyên. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo DTTS Tây Nguyên là 25% (giảm 21,58% so với năm 2009); năm 2014 còn 19,46% (giảm 5,54% so với năm 2013).

Cùng với các chính sách quan tâm của Nhà nước về mọi mặt kinh tế và xã hội của đồng bào DTTS, từ năm 2012 đến nay, cấp ủy và chính quyền huyện Đạ Tẻh tập trung nâng dần đời sống kinh tế đối với đồng bào DTTS Tây Nguyên. Với chủ trương này, huyện huy động nhân lực của nhiều ngành và các tổ chức, đoàn thể cùng nguồn lực tài chính hướng đến buôn Tố Lan (xã An Nhơn), buôn Con Ó (xã Mỹ Đức) và buôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai) có 704 hộ với 2.966 khẩu người Mạ và K’Ho của huyện, tập trung chủ yếu tại 3 buôn này. Cụ thể, bằng nhiều hành động tác động trực tiếp đến từng hộ đồng bào, không chỉ đưa giống cây, phân bón mà cán bộ đã bỏ nhiều công sức để giúp bà con như đào hố, xuống cây, bón phân, kỹ thuật chăm sóc… Nói như Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Ngô Thị Nga: “Phải chịu khó, nhẫn nại, bền bỉ “mưa dầm thấm lâu” mới làm được”. Riêng năm 2013 và 2014, tại buôn Tố Lan, nhiều chương trình được triển khai như ngô lai 3,8ha; lúa chất lượng cao 2,2ha; tre tầm vông 24,6ha; cà phê cao sản 1,45ha. Năm 2015, buôn này được tiếp tục hỗ trợ phân bón và thuốc BVTV cho 24,6 ha tre tầm vông; trồng mới 1,45ha cà phê, chăm sóc 2,3ha cà phê cũ… Tổng kinh phí đến nay là 1,182 tỷ đồng. Kết quả, diện tích ngô lai phát triển tốt, năng suất đạt 3,8 tấn/ha; cà phê đã ra 5-6 cặp cành, một số đã ra bói. Đã xuất hiện những hộ điển hình về chăm sóc hiệu quả, có tác động lan tỏa tích cực trong cộng đồng như K’Siêng, K’Lương, K’Miếu, K’Liêng… Với vùng đất không màu mỡ như Tố Lan, lúa vụ Đông - Xuân 2013-2014 đạt năng suất 4,5 tấn/ha là thành quả rất đáng ghi nhận.

Cây cao su tập trung ở buôn Đạ Nhar và Con Ó ngày càng khẳng định chỗ đứng. Tại Đạ Nhar, năm 2013 trồng được 95ha ở tiểu khu 525, năm 2014 trồng tiếp 24ha. Hiện, cây đã đạt chiều cao 1,6-2m, một số đã phân cành. Tại Con Ó, năm 2012 trồng được 47ha, năm 2013 trồng tiếp 18ha. Diện tích cao su trồng năm 2012 hiện đạt chiều cao 2-3m, đa số đã được tỉa cành tạo tán. Vụ Hè thu năm 2014, các hộ ở Con Ó được hỗ trợ trồng 50ha ngô lai… Tổng kinh phí hỗ trợ đối với 2 buôn này gần 3 tỷ đồng, chủ yếu từ các nguồn như vốn sự nghiệp kinh tế của huyện, Chương trình 30a và chương trình trợ giá giống cây. Nhiều hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh như K’Túc, K’Đêu, K’Đơn, K’Nghin ở Con Ó; nhóm K’Cừu, K’Bruh, K’Dong ở Đạ Nhar…

Chủ trương đầu tư trồng cao su tập trung, tre tầm vông trong vùng đồng bào DTTS gốc địa phương được bà con đồng tình và tin tưởng, phấn khởi lao động sản xuất. Năm 2014, tiếp tục hỗ trợ trồng mới cao su tập trung 25ha tại khu vực Trảng Cỏ, Đạ Nhar, nâng tổng diện tích cao su vùng DTTS Tây Nguyên đến cuối năm 2014 trong toàn huyện là 197ha, gồm Con Ó, xã Mỹ Đức 77ha/76 hộ; Đạ Nhar 120ha/120 hộ. Đúc rút về thành công, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng cho biết: “Nhờ sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó có vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động con cháu, nhân dân tích cực lao động sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội”. Ông Hùng cũng cho biết, giai đoạn tới còn một số chương trình, dự án cần phải tiếp tục đầu tư như hạ tầng giao thông, hỗ trợ sản xuất khu vực Tôn K’Long, khu vực cao su tập trung Đạ Nhar để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất và lưu thông sản phẩm. Kết hợp phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát thống kê các hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, hộ nghèo thiếu đất sản xuất để xem xét giao khoán theo Nghị định 135/CP trên diện tích đất lâm nghiệp được tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng tại xã Quốc Oai. Theo đó đã giao khoán 1.168,17ha cho 713 hộ.

Vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó trở lực chính là sức bật của bà con DTTS. Gốc của vấn đề vẫn là trình độ dân trí như trong nhận thức còn trông chờ sự hỗ trợ; tập quán canh tác lạc hậu; thụ động trong đầu tư; quan tâm đến rau rừng nhiều hơn là làm cỏ bỏ phân cho cây trồng… Vì vậy một số diện tích ngô lai, cà phê, tre tầm vông không được làm cỏ, vun gốc, bón phân, tưới nước kịp thời… nên ảnh hưởng đến năng suất. Thực tế cho thấy, rất cần nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở tại các xã. Cán bộ phải đặc biệt quan tâm, chia sẻ, khuyến khích động viên và tuyên truyền bà con. Cùng đó, các tổ chức đoàn thể của cấp huyện tích cực nhận đỡ đầu một thôn, buôn đồng bào DTTS để bám sát giúp đỡ kịp thời.

Mục tiêu đặt ra của huyện Đạ Tẻh từ năm 2015 đến 2019 là không còn xã và thôn đặc biệt khó khăn; giảm hộ nghèo DTTS còn dưới 5%; giải quyết cơ bản đất sản xuất cho hộ thiếu đất… Với những bài học kinh nghiệm cùng quyết tâm và đồng lòng của toàn huyện, những chỉ tiêu này hoàn toàn sẽ là hiện thực.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành