Đắk Lắk: Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Buôn Đôn

Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... đó là kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo mà cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Buôn Đôn đã nỗ lực thực hiện và đạt được trong những năm qua.

Thực hiện lồng ghép nhiều giải pháp

Trong 5 năm qua, huyện Buôn Đôn đã triển khai lồng ghép và phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: Chương trình 167 hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với tổng kinh phí 5.215 triệu đồng; Chương trình trợ giá, trợ cước; Chương trình 102 về hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo tại vùng khó khăn (với tổng kinh phí 10.857 triệu đồng để hỗ trợ về giống cây trồng và vật tư sản xuất); chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (tổng kinh phí 3 tỷ đồng); công tác di dãn dân nội vùng, phát triển trung tâm cụm xã; đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành nghề, phát triển nông-lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, mở rộng tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo (tổng số tiền cho vay 200.759 triệu đồng); dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đã đào tạo cho khoảng 2.250 lao động, trong đó có gần 35% đồng bào DTTS; giải quyết việc làm cho khoảng 1.100 lao động/năm); hỗ trợ về y tế (cấp 280.581 lượt thẻ BHYT), hỗ trợ về giáo dục (tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học tại vùng đồng bào DTTS trên 29 tỷ đồng), trợ giúp pháp lý; trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/NĐ-CP và Nghị định 13/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình 1592, 755 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người nghèo, đồng bào DTTS...

Để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo từ ngân sách nhà nước được thuận lợi, hiệu quả, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn chú trọng tăng cường công tác kết nạp đoàn viên, hội viên, đặc biệt đối với hội viên, đoàn viên trong các hộ nghèo, vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS (có trên 80% hộ nghèo có người được kết nạp vào các tổ chức đoàn thể, 100% hộ nghèo được vào các tổ vay vốn). Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể các cấp cùng phối hợp phát động nhiều phong trào, vận động các đơn vị, tổ chức, cán bộ, nhân dân tham gia xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, “Mái ấm công đoàn”, “Nuôi heo đất”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”....; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới.

Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện nhiều năm qua, từ năm 2011, Huyện ủy, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, huyện Buôn Đôn đã huy động sự chung tay góp sức của nhân dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đã huy động được hàng nghìn ngày công, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, hàng trăm triệu đồng/năm từ nhân dân để hoàn thành nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới...

Hiệu quả của công tác giảm nghèo

Có thể nói, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong toàn huyện tích cực tham gia thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức tự vươn lên. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, dự án về giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn huyện. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… Bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới về mọi mặt, đặc biệt các xã nghèo, khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân đã biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất…

Từ triển khai thực hiện tốt các giải pháp, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 41,2% năm 2010 xuống còn 23,22% năm 2015; trung bình mỗi năm giảm 3,59% hộ nghèo (cao hơn mức bình quân của tỉnh 1,132%). Kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có sự phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,68%. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng ổn định và có bước cải thiện đáng kể: 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia; 98% số hộ được sử dụng điện; 31% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; có 39 cơ sở giáo dục (38 trường và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên) với 15.870 học sinh (trong đó có 6.778 học sinh người DTTS tại chỗ), 10 trường đạt chuẩn quốc gia, 90% trẻ trong độ tuổi được đến trường…

Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3%/năm trở lên trong giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 8%, trong thời gian tới huyện Buôn Đôn tiếp tục huy động các nguồn lực về vốn, lao động; thực hiện triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội; trong đó, tập trung đầu tư nhằm phát huy các lợi thế của từng địa bàn xã, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa kinh tế huyện ngày càng phát triển.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành