Điện Biên: Phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135

Huyện Mường Ảng (Điện Biên) là một trong những địa phương tiêu biểu về việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của chương trình 135.

Điện lưới quốc gia kéo về tận gia đình, những “cung đường 135” nối bản, làng giúp bà con đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương, buôn bán trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, mở mang ngành nghề dịch vụ, buôn bán.

Với hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã triển khai 20 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ 175 máy móc công cụ, 49 công trình giao thông, thủy lợi, trường học... với 2.023 hộ được thụ hưởng.

Theo anh Cà Văn Lợi, Phó phòng Dân tộc, huyện Mường Ảng, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu đã kịp thời phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các mô hình giống, cây trồng, vật nuôi và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như: máy móc, công cụ, giống cây trồng, vật nuôi… đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào. Các mô hình thí điểm được tiếp thu và nhân ra diện rộng, các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng góp phần cơ bản vào việc xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Không chỉ trên địa bàn huyện Mường Ảng mà 101/130 xã và 22 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các huyện khác được chương trình hỗ trợ đã góp phần tạo thêm nhiều động lực để bộ mặt nông thôn và đời sống người dân vùng sâu, vùng xa ngày một phát triển. Chương trình 135 (giai đoạn 2011 - 2015) không chỉ là động lực để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, tạo điều kiện để các xã đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển. Với trên 600 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, đã thực hiện hỗ trợ gần 5.000 con gia súc, gia cầm; 22 tấn cây lương thực; gần 100 tấn thức ăn và phân bón các loại... Hỗ trợ xây dựng gần 100 mô hình trồng lúa, ngô, cây ăn quả và mở 30 lớp tập huấn về kiến thức, áp dụng khoa học vào chăn nuôi với hàng nghìn lượt người tham gia. Đối với dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gần 500 công trình, trong đó có 177 công trình giao thông, 112 công trình thủy lợi, 75 công trình nước sinh hoạt phục vụ cho gần 3.000 hộ dân... góp phần thay đổi điều kiện hạ tầng nông thôn các huyện. Cùng với đó, các địa phương còn sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành