Diện mạo mới ở vùng sâu Đắk Lắk
Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 30% lại cư trú rải rác ở vùng sâu, vùng xa nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, những năm qua nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cộng với những nỗ lực của địa phương và nhân dân, nhiều chương trình, chính sách được triển khai thực hiện đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống bà con vùng đồng bào DTTS nơi đây.
Trước đây, Ea Tul vốn là một xã
nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12 triệu đồng/năm. Nhiều công trình
như điện đường, trường, trạm, nước sinh hoạt chưa được đầu tư khiến cho cuộc
sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhớ lại những khó khăn của ngày
trước, già làng Y Riu Drơng (buôn Knia) kể: “Ngày trước chưa có đường giao thông,
bà con buôn làng đi làm nương rẫy vất vả lắm, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì
bụi mù trời. Trường học ở xa nên lũ trẻ trong làng bữa học, bữa bỏ. Bà con có
bệnh chỉ ở nhà cúng chứ không ra bệnh viện chữa trị vì xa xôi. Giờ thì khác rồi,
đường nhựa đến tận buôn, ô tô chạy vào tận xã, con em không còn bỏ học, Trạm y
tế ở gần nên bà con ai cũng vui cái bụng. Đặc biệt là giờ bà con còn được sử
dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh nên không còn phải lo sợ bệnh tật nữa”.
Cùng với đó việc hỗ trợ người dân
phát triển kinh tế đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Do gia đình đông
con, đất đai sản xuất chỉ được 2 sào nên gia đình ông Y Bắk Niê ở buôn H’Ra A
suốt nhiều năm liền luôn bị cái nghèo bủa vây. Cuộc sống của gia đình ông chỉ
trông chờ vào số tiền làm thuê làm mướn.
Trước hoàn cảnh gia đình ông, năm
2014 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu
số tại chỗ hỗ trợ cho gia đình 10 con heo để nuôi. Nhờ được tập huấn kỹ thuật
cùng sự chăm chỉ của bản thân đến nay gia đình đã xuất chuồng được 2 lứa và đang
duy trì đàn gần 10 con và đã thoát nghèo.
Ông Nguyễn Công Văn-Chủ tịch UBND
xã Ea Tul chia sẻ: “Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các
chương trình, chính sách hỗ trợ mà cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống
người dân ngày càng cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2011 thu nhập bình quân là 12
triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng lên 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ
nghèo hàng năm giảm hơn 3%, đến nay toàn xã còn 229 hộ nghèo chiếm 10,1%. Hiện
trên địa bàn xã không còn nhà tạm bợ, dột nát và xã đã đạt được 16/19 tiêu chí
xây dựng nông thôn mới. Địa phương đang quyết tâm thực hiện các tiêu chí còn lại
để sớm cán đích nông thôn mới trong thời gian tới”.
Đến nay 100% xã đã có đường ôtô
đến trung tâm xã, 90% xã và 70% hộ được dùng điện sinh hoạt, hơn 95% xã có điện
thoại, 100% xã có trạm y tế... Đối với Chương trình 135, đã triển khai trên 44
xã và 128 thôn, buôn đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư
trên 372 tỷ đồng;…
Hiện nay, trên địa bàn các xã,
thôn, buôn đặc biệt khó khăn của tỉnh cơ bản không còn tình trạng đói giáp hạt;
tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,39% xuống còn 10,02%.