Dồn sức giảm nghèo

Công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ huyện Ea H’leo xem là thước đo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vì vậy đã huy động cả hệ thống chính trị dồn sức cho công tác này.

Qua kết quả điều tra cuối năm 2014, toàn huyện còn 2.424 hộ nghèo, như vậy trong 10 năm (2006-2015) đã giảm được gần 9 nghìn hộ nghèo. Riêng trong 4 năm (2010-2014), giảm 3.601 hộ đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 22,48% đầu năm 2011 xuống còn 8,26% vào cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm 3,6% hộ nghèo (chỉ tiêu là 3%). Hiện các xã, thị trấn đang triển khai quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo, phấn đấu cuối năm 2015 giảm dưới 7%. Đây là thành tích rất đáng khích lệ của Đảng bộ, nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Bùi Khắc Mạnh, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện cho biết: “Để đạt kết quả này, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung rà soát từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân loại theo từng nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn ưu đãi để giúp hộ nghèo vay vốn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo; lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh có mục tiêu xóa đói giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương… Song song với đó, huyện phân công cán bộ có tâm huyết, kinh nghiệm làm công tác giảm nghèo gắn kết với hộ nghèo nhằm lựa chọn mô hình kinh tế hoặc phương án phù hợp giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững”.

Một yếu tố rất quan trọng là so với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Ea H’leo có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, nhất là phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay, huyện đã thu hút được 15 dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, chăn nuôi bò sữa, với tổng diện tích hơn 14 nghìn ha; có 45 dự án đăng ký đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 15 doanh nghiệp nhà nước, 203 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 21 hợp tác xã, 6 chi nhánh, 53 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, hằng năm ngoài đóng góp cho ngân sách huyện còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định. Nhờ đó nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thật sự thay đổi, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm trong khi sự hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức độ giới hạn. Chị Nay H’Blốch, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Ea Sol cho biết: “Địa bàn rộng (24 thôn, buôn), đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác giảm nghèo gặp không ít khó khăn. Đảng ủy, UBND xã tranh thủ tối đa các nguồn lực và dành ưu tiên đầu tư cho các thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các chương trình, chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là vay vốn tín chấp qua các tổ chức đoàn thể. Cùng với đó các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã đã tuyển nhiều công nhân tại chỗ vào làm, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng, nên nhiều hộ thoát nghèo. Cuối năm 2013, toàn xã có 195 hộ nghèo (chiếm 10,2% số hộ), qua rà soát mới đây đã có 73 hộ thoát nghèo bền vững”.

Có thể khẳng định rằng, các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo được triển khai trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống vật chất - tinh thần cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác giảm nghèo (2006-2015) mới đây, huyện đã nghiêm túc đánh, phân tích nguyên nhân nghèo đói dai dẳng, kinh niên ở một bộ phận dân cư, từ đó đề ra giải pháp nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2% vào cuối năm 2020 (theo tiêu chuẩn nghèo hiện nay) và dự kiến xuống dưới 7% (theo chuẩn nghèo mới). Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Bùi Khắc Mạnh cho biết thêm: “Từ năm 2016 sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (thay vì đơn chiều như hiện nay) do đó công tác giảm nghèo sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với vùng dân tộc thiểu số. Huyện tiếp tục xác định đây là công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị”. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong thời gian tới là các cấp chính quyền, mặt trận và tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm khơi dậy ý thức tự lực tự cường, nâng cao ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo, đi đôi với giúp đỡ, động viên kịp thời. Đây cũng chính là cơ sở, mấu chốt hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành