Đổi thay bản Màng
Từ một bản đặc biệt khó khăn, đến nay bản Màng (phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) đã “khoác” lên mình diện mạo mới no ấm và sung túc. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và tinh thần dám nghĩ dám làm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của bà con nông dân.
Dẫn chúng tôi đi thăm bản, trên con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ anh Ú A Té – Trưởng bản Màng cho biết: “Hơn chục năm trước, con đường này là đường đất nhỏ hẹp, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Trời nắng còn đỡ, trời mưa đường lầy lội, có khi bùn dầy đến vài gang tay”. Không chỉ con đường mà ngay cả đời sống của dân trong bản lúc đó cũng túng bấn. Hầu như các hộ thiếu ăn, việc học tập của con ít được phụ huynh quan tâm. Hầu hết gia súc gia cầm của bà con trong bản thả rông, vệ sinh môi trường không đảm bảo.
Những người có uy tín trong bản đã phối hợp với cán bộ các cấp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động dân bản thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Năm 2009, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, con đường nội bản được đầu tư xây dựng theo Chương trình 135 tạo nên bước ngoặt lớn. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, bà con phấn khởi ra sức bảo vệ, giữ gìn, vệ sinh đường sạch đẹp gắn với lao động sản xuất. Bên cạnh việc cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi lợn, gà như trước, bà con còn chăn nuôi thêm trâu, bò, thả cá, chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, rau các loại cung ứng ra thị trường.
Anh Nguyễn Tuấn Duyên, nông dân trong bản chia sẻ: “Từ năm 2009 gia đình tôi chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, rau màu các loại. Một năm tôi trồng 3 vụ (từ tháng 3–6; từ tháng 6-10 và từ tháng 10-12), xuất ra thị trường trung bình 10 tấn rau, 9 tấn dưa chuột, gần 2 vạn bông hoa. Trừ chi phí, thu lãi 170 triệu đồng/năm”.
Một số hộ gia đình có diện tích đất rộng mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng phòng cho học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng, trường Trung cấp nghề tỉnh thuê; mở quán bán hàng tạp hóa, quán ăn; tận dụng nhà cũ làm nấm rơm tăng thu nhập. Sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm giúp dân bản có của ăn của để, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi đắt tiền phục vụ sinh hoạt gia đình, có vốn tái đầu tư sản xuất, giúp đỡ các hộ gia đình khác trong bản. Cuối năm 2013, bản Màng đã thoát khỏi bản đặc biệt khó khăn.
“Hiện nay, trong số 43 hộ, 170 nhân khẩu thì 100% hộ có nhà lợp mái ngói, prôximăng, có tivi, xe máy; 30% hộ có tủ lạnh. Số hộ nghèo giảm chỉ còn 3 hộ” – Anh Té cho biết thêm.
Đời sống nâng cao, bà con chăm lo cho con cái học hành, quan tâm hơn đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Tình trạng trộm cắp tài sản, bạo lực gia đình, số người nghiện ma túy giảm hẳn. Nhiều năm nay trong bản không có người sinh con thứ 3. Nhiều hộ đầu tư mua máy móc vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn bản có 60% hộ có máy thái chuối, 30% hộ có máy tách hạt ngô, 8 hộ có máy cày bừa mini, máy tuốt lúa.
Chia tay bà con bản Màng, tin rằng trong tương lai không xa bản Màng sẽ phát triển giàu đẹp, văn minh hơn.