Đổi thay trên những cung đường
Với đồng bào vùng cao, đường giao thông có một vai trò hết sức quan trọng. Được quan tâm đầu tư, những cung đường đã tạo ra động lực phát triển kinh tế cho nhiều nơi mà tiêu biểu như xã vùng cao Trung Thành (Đà Bắc, Hòa Bình), từ ngày có đường đã giúp thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 14 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm đáng kể.
Sau 6 năm trở lại mấy xã vùng cao
của huyện Đà Bắc, người ta có thể cảm nhận nơi đây đang đổi thay từng ngày. Còn
nhớ những năm trước, từ Ênh (xã Tân Minh) lên xã Đồng Ruộng hơn 30 cây số đất,
đá lổn nhổn, uốn lượn quanh co khó khăn vất vả vô cùng. Đường khó, xung quanh là
đồi, là rừng nhiều người đi được một đoạn chỉ muốn quay lại, nhiều chỗ xe phải
cài số 1. Chỉ có 30 cây số mà người đi giỏi cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ.
Bây giờ thay vào đó là cung đường
nhựa đã được nhà nước đầu tư suốt tuyến. Cũng từ đường mà những mảnh đồi trọc
trước đây toàn lau sậy giờ thành những vựa ngô bạt ngàn. Vừa thu những bao ngô
cuối cùng, anh Lò Văn Can ở xã Đoàn Kết cho tôi biết: So với mọi năm thì vụ ngô
năm nay có năng suất khá. Gia đình mình gieo 40kg hạt giống ngô lai, cuối vụ thu
về hơn 200 bao. Bây giờ, đường tốt rồi nên giá ngô cũng cao hơn những năm trước.
Vụ này trừ hết chi phí giống, phân bón lãi vài chục triệu đồng. Bây giờ làm kinh
tế nhàn hơn trước nhiều. Nhất là vận chuyển bây giờ toàn dùng xe chở về, có khi
thu xong thương lái đến tận chân đồi lấy luôn. Từ ngày có đường bà con vui lắm.
Nhà nào cũng sắm xe máy để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đời sống của bà con từ
đó ngày càng khá giả. Xe khách từ Yên Hòa về thành phố Hòa Bình mỗi ngày chạy 2
chuyến nên cũng tiện lắm.
Trước đây, đường xấu cánh lái xe
nghe đến đường Yên Hòa, Đoàn Kết ai cũng ngao ngán. Giờ có đường, nhiều người
lên tận các xóm sâu, xa để thu mua nông sản. Bà Hà Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã
Đoàn Kết cho biết: Trước đây, bà con làm ăn nhỏ lẻ manh mún vì rất khó tiêu thụ.
Từ khi có đường nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư quy mô hơn. Như hộ anh Lò Văn
Phương, Lò Văn Sáng ở xóm Cang đầu tư mở rộng diện tích trồng ngô, mỗi vụ trồng
50-60kg giống cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Một số ngành nghề được mở
mang như gia đình anh Lò Văn Thi, Lò Văn Thắng ở xóm Kem đầu tư máy là dịch vụ
nghiền đá sỏi vừa tạo việc làm cho bà con vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Nhờ đường giao thông mà một số
loại cây trước đây không ai dám trồng vì không bán được như cây mía, cây ăn quả,
rau mầu. Nhưng nay, các loại cây ấy được trồng đại trà và đưa tổng diện tích lên
đến hàng chục ha. Không chỉ đưa cây mới vào sản xuất bà con đã mở rộng diện tích
cây trồng truyền thống là ngô lên 335 ha, sắn 370ha. Đồng thời áp dụng khoa học
kỹ thuật đưa nhiều giống mới vào sản xuất, đưa năng xuất cây ngô của xã lên 55
tạ/ha. Tổng sản lượng cây có hạt năm 2015 đạt trên 2.445,9 tấn. Đàn trâu bò cả
xã đạt trên 1.000 con, lợn đạt 3.550 con, gia cầm đạt trên 10 nghìn con. Do vậy,
tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần xuống còn 45,07%.
Ông Lường Văn Xiên, chủ tịch UBND
xã Trung Thành, Đà Bắc cho biết: Từ ngày cung đường huyết mạch từ xã Tân Minh
lên các xã vùng cao Đoàn Kết, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Trung Thành… được đưa vào sử
dụng đã tạo điều kiện thay đổi vùng cao. Hàng hóa ở vùng cao được lưu thông từ
vùng cao xuống huyện. Ngày trước giá ngô ở xã Trung Thành và thị trấn Đà Bắc
thường chênh nhau 10 giá. Nhiều tư thương bảo nhau ép giá, nên giá trị kinh tế
từ cây ngô rất thấp. Mấy năm gần đây, nhờ giao thông thuận lợi giá chỉ chênh
nhau 2-3 giá.
Cũng từ khi có đường giao thông,
cây chè - một trong những cây thế mạnh của địa phương đã được tạo đà phát triển.
Trước đây bà con và doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ do chi phí vận chuyển lớn, giá
thành sản phẩm rẻ. Nhiều người không mặn mà với trồng chè. Khi đường giao thông
thuận lợi chi phí vận chuyển giảm, sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu thị trường
thì giá trị cây chè ngày càng cao. Doanh nghiệp mua giá cao và ổn định hơn, bà
con yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, cả xã đã trồng được 60ha chè. Nghị quyết
của Đảng ủy xã xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo của xã và mở rộng diện
tích lên trên 100ha.
Cũng từ cung đường tạo động lực
cho xã vùng cao Trung Thành phát triển kinh tế- xã hội đến nay thu nhập bình
quân đầu người của xã đạt 14 triệu đồng/người/năm, tổng sản lượng cây có hạt của
xã đạt trên 1362 tấn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 42,45%, 95% số hộ được dùng nước
sinh hoạt, 98% số hộ được sử dụng điện lưới. Tình hình an ninh trật tự được giữ
vững tạo đà phát triển kinh tế xã hội địa phương.