"Đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu

Những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn vùng sâu, xa và vùng biên giới của tỉnh.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN

Bình Phước có đường biên giới dài 260,433km và đông đồng bào DTTS sinh sống. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là ở các xã vùng sâu, xa, vùng biên giới.

Trước thực trạng đó, nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS được tỉnh tập trung thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn ĐBKK đã góp phần tạo ra những thay đổi rõ nét về diện mạo khu dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trên cơ sở các quyết định, văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, UBND các huyện, thị xã thành lập ban chỉ đạo chương trình do phó chủ tịch UBND làm trưởng ban, trưởng phòng dân tộc làm phó trưởng ban, phòng dân tộc là cơ quan thường trực.

Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn ĐBKK và Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLB-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD hướng dẫn thực hiện Chương trình 135.

Trong giai đoạn 2011-2016, UBND tỉnh đã phân bổ vốn cho các xã theo mức độ khó khăn (hệ số K) và phân bổ cho các huyện theo tiêu chí để UBND huyện giao kế hoạch chi tiết cho các xã. Riêng năm 2016, tỉnh phân bổ bình quân 1 tỷ đồng/xã ĐBKK, 200 triệu đồng/thôn ĐBKK đối với dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; 300 triệu đồng/xã và 50 triệu đồng/thôn đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các dự án đào tạo, bồi dưỡng giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan thực hiện, với tổng kinh phí 1,02 tỷ đồng.

Trước khi triển khai, UBND các xã thông báo rộng rãi và minh bạch đối tượng thụ hưởng, kế hoạch vốn, quyết toán kinh phí từng năm và cả giai đoạn. Việc lập kế hoạch thực hiện hằng năm và cả giai đoạn đều được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, UBND xã tổng hợp, thông qua thường trực HĐND cùng cấp và trình UBND cấp huyện phê duyệt.

Trong chỉ đạo điều hành, việc kiểm tra, giám sát luôn được Ban Chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh quan tâm đôn đốc. Hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp với các thành viên tổ chuyên viên giúp việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất. Ngoài ra còn có các đoàn giám sát định kỳ của HĐND tỉnh.

Qua kiểm tra, các đoàn báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, đồng thời đề xuất UBND tỉnh chấn chỉnh kịp thời những việc làm chưa đúng và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các huyện, thị xã. Năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 1 đoàn đi kiểm tra. Kết quả đã lập biên bản nhắc nhở một số địa bàn về việc tổ chức triển khai thực hiện...

...VÀ HIỆU QUẢ MANG LẠI

Cuối tháng 5/2017, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế một số xã, thôn ĐBKK tại 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp.

Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định: Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS là một chủ trương đúng đắn của Trung ương cũng như của tỉnh. Những công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng đã đáp ứng nhu cầu bức thiết, giúp đồng bào định canh, định cư ổn định cuộc sống.

Các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, thôn ĐBKK. Đặc biệt, các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Năm 2011, toàn tỉnh có 6.899 hộ đồng bào DTTS nghèo thì cuối năm 2015 đã giảm còn 3.479 hộ.

Phước Thiện là xã ĐBKK của huyện Bù Đốp. Toàn xã có 273 hộ đồng bào DTTS, chiếm 21,1% số hộ dân. Người dân Phước Thiện sống bằng nghề nông nhưng diện tích đất canh tác ít, bình quân 0,21 ha/người. Xã có 63 hộ dân được cấp đất định canh, định cư theo Chương trình 134. Những năm đầu được cấp đất, đường sá đi lại khó khăn, lại hay bị nước mưa gây ngập cục bộ và chưa có điện nên nhiều hộ dân không vào ở trong khu định canh, định cư.

Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, từ vốn các Chương trình 135, 160 và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phước Thiện đã được đầu tư 8 công trình điện thắp sáng và đường giao thông nông thôn trị giá trên 11 tỷ đồng. Nhờ vậy đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Đường vào khu định canh, định cư ấp Mười Mẫu nay đã được cứng hóa nên nhiều hộ dân đến sinh sống, lập nghiệp. Từ các chương trình, dự án đầu tư, Bù Đốp đã có 5/6 xã thoát khỏi Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.

Ông Điểu Re, Trưởng ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện nói: Từ ngày có điện, đường đi lại thuận lợi, đời sống người dân trong ấp đã có nhiều khởi sắc, trẻ em đi học đầy đủ hơn. Bà con vận chuyển phân bón, nông sản thuận lợi và không bị tư thương ép giá sau khi thu hoạch. Tuy còn một số hộ khó khăn do thiếu đất sản xuất hoặc đất quá xấu, canh tác không hiệu quả, nhưng các hộ dân đều yên tâm gắn bó với khu định canh, định cư. Ngoài trồng điều, người dân còn đi làm thuê để tăng thu nhập.

TT

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành