Đòn bẩy thoát nghèo

Được thụ hưởng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ diện mạo nhiều vùng quê nghèo đã có những chuyển biến tích cực. Điều đáng ghi nhận là Chương trình 30a không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà bộ mặt của nông thôn cũng có nhiều đổi thay.

Đổi thay trên những vùng đất khó

Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố, trong đó có tới 6 huyện thuộc huyện nghèo 30a, bài toán giảm nghèo đối với tỉnh Lai Châu vẫn luôn là thách thức không hề nhỏ. Thế nhưng nhờ Chương trình 30a, công tác giảm nghèo ở đây đã có những đổi thay rõ rệt.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Thành, sau 6 năm triển khai Chương trình 30a toàn tỉnh đã có trên 75 nghìn hộ được hưởng lợi từ chính sách chăm sóc bảo vệ rừng; hơn 73 nghìn hộ được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ khai hoang, phục hóa cho gần 2 nghìn hộ. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2010-2014 thực hiện tiêu chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 tỷ hộ nghèo của tỉnh giảm được 25,25%, trung bình mỗi năm giảm 5,05% và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.

Tương tự với 3 huyện (Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương) của Lào Cai thì Chương trình 30a được ví như những làn gió góp phần mở ra một con đường sáng giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo.

Nghị quyết 30a bắt đầu triển khai tại Lào Cai từ năm 2009 và nhanh chóng tác động tích cực đến tập quán canh tác của người dân, động viên người dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trên địa bàn các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai, nhất là đối với các hộ dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn.

Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Đinh Thị Hưng, việc triển khai, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn và các chính sách theo Nghị quyết 30a trên địa bàn các huyện nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 7%/năm. "Nếu như năm 2011, trên địa bàn tỉnh còn 50.939 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo 35,29% đến năm 2014 giảm xuống còn 26.735 hộ nghèo tương ứng với tỷ lệ 17,61%; ước thực hiện năm 2015 giảm còn 22.093 hộ nghèo tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo là 13,81%”, Giám đốc Đinh Thị Hưng chia sẻ.

Không chỉ Lào Cai, Lai Châu mà tại các địa phương trên cả nước được thụ hưởng từ Chương trình 30a đều có những chuyển biến rất tích cực. Báo cáo của Bộ LĐTB &XH cho biết, số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) tại 64 huyện nghèo đã giảm từ gần 378 nghìn hộ cuối năm 2010 xuống còn gần 235 nghìn hộ cuối năm 2014. Tính ra, qua 4 năm, gần 150 nghìn hộ đã thoát nghèo. So với tổng số khoảng 700 nghìn hộ tại 64 huyện thì đây rõ ràng là một con số hết sức ý nghĩa.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên trên thực tế kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%. Đáng lo ngại kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số)...

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi tới 60-70%. Thu nhập của các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của cả nước mới đây, nhiều địa phương cũng chỉ ra rằng, kết quả xoá đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững, các hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trong khi đó sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết dẫn đến phát sinh nhiều hộ nghèo và tái nghèo. Do đó để việc triển khai Chương trình đạt hiệu quả cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, loại bỏ những chính sách kém hiệu quả. Bổ sung những chính sách cần thiết; trong đó có hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ đồng bào ở các huyện nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt cần hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các huyện khó khăn cũng như khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm của nông dân.

Thực tế, Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai quyết liệt trong suốt 6 năm qua không chỉ đóng vai trò như một chương trình giảm nghèo. Hàng loạt chính sách đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển sản xuất… đã giúp tăng nguồn lực để phát triển cho cả vùng và cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện, từ đó đẩy nhanh việc xóa đói, giảm nghèo. Chính vì vậy việc tiếp tục thực hiện chương trình này là hết sức cần thiết để những vùng đất nghèo có thể thay da đổi thịt, chuyển mình mạnh mẽ hơn. Nhưng để làm được điều này, rõ ràng cần sự chung tay, góp sức của các Bộ, ngành, địa phương cũng như của chính bản thân người nghèo.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành