Dồn lực cho xã khó
Hạn chế cào bằng trong phân bổ nguồn vốn, đưa ra bộ tiêu chí để phân bổ nguồn vốn và tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc thực hiện các công trình, đề mục đầu tư là những đề xuất được đưa ra trong Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chương trình 135 (CT 135) các tỉnh phía Bắc do Uỷ ban Dân tộc (UBDT) tổ chức ngày 3/12, tại Hà Nội .
Phân bổ vốn theo tiêu chí
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, CT 135
thực hiện trong năm 2014, năm 2015 phân bổ vốn từ ngân sách trung ương cho các
xã ĐBKK, xã an toàn khu, xã biên giới các thôn bản ĐBKK mang tính cào bằng dẫn
tới sự bất cập, không công bằng giữa các vùng miền có điều kiện, kinh tế xã hội
khác nhau. Nguồn vốn từ trung ương chưa thực sự tập trung vào nơi có điều kiện
kinh tế xã hội khó khăn nhất. Để khắc phục những hạn chế này, trong giai đoạn
2016 – 2020, việc xây dựng tiêu chí phân bổ vốn là cần thiết.
“Trong điều kiện hiện nay, nguồn lực và mục tiêu đặt ra đối
với các xã 135 là đạt được 30% số xã ra khỏi CT 135 (năm 2030) nhằm không để
giãn khoảng cách quá xa với các chương trình giảm nghèo khác. Mục tiêu giảm
nghèo 4%/năm cũng là vấn đề khá nan giải. Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành
Trung ương đã có ý kiến đề nghị hạn chế trường hợp phân bổ bình quân, trong đó
có CT 135. Hiện nay các địa phương cũng đã rất năng động, chủ động xây dựng tiêu
chí phân bổ vốn cho tỉnh, đưa ra tỷ lệ phân chia cho hợp lý, không phải chờ các
tiêu chí của Trung ương. Việc đề ra các tiêu chí để phân bổ nguồn vốn có mức độ
khác nhau nhưng sẽ không quá chêch lệch” – Thứ trưởng Sơn Phước Hoan chia sẻ.
Tăng cường vai trò của cộng đồng
Theo ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối CT 135, UBDT,
trong thời gian vừa qua các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ một số dự án nhỏ trực tiếp
cho cộng đồng. Tuy nguồn lực không lớn, nhưng kết quả thực hiện dự án đã thể
hiện được vai trò của cộng đồng, vai trò của người dân tương đối tốt. Tuy nhiên
đây mới chỉ là nội dung triển khai thí điểm ở một số dự án của tổ chức quốc tế,
CT 135 cũng đang hướng tới mục tiêu đó là: từ đặc thù của CT 135, nếu Chính phủ
cho phép giao một khoản kinh phí trực tiếp cho cộng đồng thì sẽ tạo được sự chủ
động trong việc triển khai theo nhu cầu thiết thực của người dân.
Anh Giàng A Thào – Bí thư chi bộ thôn Pá Liềng, xã Phiêng
Phằn, huyện Mai Sơn, Sơn La phản ánh: Là thôn ĐBKK nên Pá Liềng cũng được hưởng
lợi nhiều từ CT135 như được hỗ trợ bò giống, làm nhà văn hoá thôn, làm cầu cống.
Tuy nhiên, theo tôi nên để cho dân được tham gia nhiều hơn. Chẳng hạn như công
trình đơn giản như cầu cống, người dân chúng tôi đều có thể tự làm được. Người
dân làm cho mình sử dụng nên chất lượng còn tốt hơn nhiều. Để cho nhà thầu làm,
họ chỉ làm xong, đến khi hết thời gian bảo trì, hỏng cũng chẳng có ai sửa. Dân
làm dân sẽ có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng. Về công tác đào tạo năng lực cho
cán bộ, tôi nghĩ nên đào tạo cho một người phụ trách cụ thể về CT 135, chứ tập
trung vào trưởng thôn và bí thư chi bộ, cứ thay đổi liên tục dẫn đến người mới
lại không biết làm.
Theo dự kiến cấp xã được giao chủ đầu tư 2 hợp phần: Đầu tư
cơ sở hạ tầng xã, thôn; Hỗ trợ phát triển sản xuất. Lộ trình 50% cấp xã được
giao chủ đầu năm 2018 và 100% cấp xã được làm chủ đầu tư năm 2020. Cấp huyện
được giao là chủ đầu tư hợp phần: Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người
dân.
Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ có 7 tiêu chí để xác định
việc phân bổ vốn, gồm: Tiêu chí đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,
xã an toàn khu; tiêu chí về thôn đặc biệt khó khăn; tiêu chí về dân số (số nhân
khẩu); tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo của tỉnh; tiêu chí về số xã thôn
hoàn thành mục tiêu; tiêu chí về tỷ lệ giải ngân; tiêu chí về chấp hành chế độ
báo cáo.