Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Đồng chí Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn cho biết: Xác định phong trào phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là vô cùng quan trọng trong các hoạt động của tổ chức Hội. Những năm trở lại đây, Hội PN huyện Lạc Sơn, luôn chú trọng tổ chức, vận động chị em tham gia lao động, SX-KD, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào tại địa phương, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo bền vững.
Hội Phụ nữ huyện luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm đưa các chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Hàng năm, Hội xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, rà soát nắm bắt số hội viên nghèo cũng như nhu cầu cơ bản của từng hội viên để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ.
Đi đôi với thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, trong thời gian qua, Hội PN huyện phối hợp Ngân hàng CSXH giải ngân kịp thời các nguồn vốn cho hội viên vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Tính đến ngày 30/5, Hội PN huyện quản lý vốn từ ngân hàng CSXH trên 66,75 tỷ đồng với 129 tồ, 5.028 thành viên vay vốn. Ngoài ra, Hội quan tâm vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đem lại năng suất, chất lượng cao. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan chuyên môn xây dựng hàng chục mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời tổ chức được 153 lớp tập huấn, chuyển giao KH -KT sản xuất, chăn nuôi, quản lý doanh nghiệp nhỏ, quản lý, vận hành bể bioga, kiến thức về hoạch toán kinh tế gia đình cho 7.500 hội viên. Toàn huyện hiện có 5 chủ doanh nghiệp là nữ, 75 mô hình phát triển kinh tế gia đình, 51 nhóm sở thích chăn nuôi gia súc, gia cầm; thành lập được 1 CLB doanh nghiệp nhỏ... Hội cũng phối hợp với Trung tâm dạy nghề tỉnh, huyện, Viện Tài chính vi mô nhỏ tại Hà Nội, Dự án khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Trung tâm học tập cộng đồng và Dự án giảm nghèo... mở được 12 lớp dạy may, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản cho 457 học viên. Sau học nghề, 319 học viên đã có việc làm ổn định.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo đã giúp nhiều hộ thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, nhất là trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện đã vận động chị em giúp đỡ nhau phát triển kinh tế qua nhiều hình thức như giúp vốn, cây, con giống, ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất. Qua 3 năm (từ 2011 - 2013) đã có trên 1.178 hội viên phụ nữ nghèo được giúp đỡ, trong đó có 591 hộ phụ nữ thoát nghèo.