Đột phá để giảm nghèo bền vững: Vay vốn để thoát nghèo
Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ trực tiếp giúp người dân thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách ã hội đã giải ngân cho hàng triệu hộ nghèo được vay vốn ưu đãi. Có vốn nhưng có thêm ràng buộc: phải trả lãi, trả vốn nên người dân có ý thức đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo bền vững.
Vốn chính sách biến thành trâu, dê giúp dân nghèo thoát nghèo
Năm nay mới 46 tuổi nhưng bệnh tim mãn tính đã khiến chị Hoàng Thị Sao, dân tộc Tày ở thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) già đi nhiều so với tuổi. Chị bảo, bệnh nặng nên dăm bữa nửa tháng chị lại phải đi viện một lần, tiền làm ruộng, nương đổ cả vào chạy chữa cho chị nên nhà túng lắm. Chị Sao chia sẻ: “Không được vay vốn ngân hàng thì chắc gia đình tôi vẫn nghèo mãi. Trong nhà mỗi chồng là trụ cột kinh tế, vợ thì bệnh tim, vài tuần lại đi cấp cứu, anh em họ hàng vay mãi mới được vài trăm, chồng lại cặm cụi làm trả nợ hết”.
Đấy là chuyện cách đây 5 năm rồi, giờ trong nhà chị đã có xe máy, có ti vi, ngoài chuồng có cả đàn dê, đàn trâu. Tất cả là nhờ đồng vốn của Nhà nước mà gia đình chị được vay theo diện hộ nghèo. Năm 2009, chị vay 15 triệu đồng, tới năm 2012 gia hạn nợ và sang 2013 chị vay thêm 15 triệu đồng nữa để chăn nuôi. Ban đầu chỉ đủ tiền mua 1 con trâu và hai con dê.
Sau khi vay lần thứ nhất chăn nuôi hiệu quả, gia đình xin vay vốn lần 2. “Với số tiền 15 triệu đồng vay được, chúng tôi mua thêm 1 con trâu nữa. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên bây giờ đã có 9 con trâu và 21 con dê”- chị Sao cho hay. Trong chuồng nhà chị Sao có 6 con trâu và 3 con nghé, nếu bán mỗi con trâu có thể được 20 triệu đồng, con nghé cũng được khoảng 7 triệu đồng. Dê thì bán giá thấp hơn nhưng rất dễ bán. Gia đình chị vừa nuôi dê thịt vừa nuôi dê sinh sản bán con giống.
Tính hòm hòm số trâu, dê của vợ chồng chị Sao cũng phải trên 100 triệu đồng, kinh tế gia đình chị đi lên, năm ngoái đã ra khỏi diện hộ nghèo. Số nợ 30 triệu đồng vay của Nhà nước qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã trả được 1 nửa, nửa còn lại chỉ cần bán 1 con trâu là trả hết. Trả nợ xong, vợ chồng chị Sao dự tính vay thêm tiền Nhà nước cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư đóng tàu du lịch cho con trai đi chở khách tham quan hồ Ba Bể.
Chị Trương Thị Tư, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Mẫu cho biết, trong xã cũng đã có nhiều chị em thoát nghèo như gia đình chị Sao. “Từ khi chị em được vay vốn của Ngân hàng CSXH có thay đổi nhiều, cụ thể như nhà chị Sao đây. Qua vay vốn, đời sống chị em thay đổi nhiều hơn, có hộ vay rồi phát triển tốt, trả gốc trả lãi rồi lại tiếp tục vay để phát triển thêm” - chị Tư cho hay.
Là xã nghèo của huyện nghèo 30a Ba Bể (Bắc Kạn), năm 2016 này Nam Mẫu còn tới 45% số hộ nghèo. Đường sá đi lại khó khăn, 90% số hộ dân làm nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên đời sống của bà con còn nhiều vất vả, muốn làm ăn mà không có vốn. Chính vì vậy, hơn chục năm nay, kể từ khi Ngân hàng CSXH đi vào hoạt động, đời sống của người dân cũng có nhiều thay đổi. Từ chỗ không có con trâu, con dê nào. Giờ nhiều hộ đã có cả đàn trâu, đàn dê như nhà chị Sao.
Một số hộ nhờ vay được tiền đã lo đủ chi phí cho con đi XKLĐ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, tiền làm ra gửi về xây được nhà cao cửa rộng, đóng được thuyền để làm du lịch cộng đồng... không còn quay lại cảnh nghèo đói như xưa.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: “Thực hiện đúng mục đích vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo, mấy năm vừa rồi xã Nam Mẫu cho vay trên 12 tỷ đồng, được cái lợi cho bà con là nâng cao tinh thần vật chất cho hộ gia đình, nâng cao trách nhiệm của hộ dân tự vươn lên thoát nghèo, mấy năm vừa rồi hộ thoát nghèo phần lớn là nhờ chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH”.
Người dân Nam Mẫu phấn khởi khoe: “Vốn chính sách của Nhà nước đang dần biến thành trâu, thành dê, thành nhiều cây trồng vật nuôi khác có giá trị kinh tế cho dân nghèo nơi đây thoát nghèo bền vững”.
Tạo “cần câu” để người nghèo “câu cá”
Tại Nghệ An, hàng nghìn hộ gia đình đã thoát nghèo vay vốn Ngân hàng CSXH đã vươn lên thoát nghèo. Nhờ được vay vốn, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh.
Bà Phan Thị Liên ở xóm 2, xã Nam Tân (huyện Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ: “Đầu năm 2016 gia đình tôi được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Có vốn trong tay, tôi đã mua thêm 2 con bê về nuôi nâng tổng đàn lên 4 con. Nếu đàn bò phát triển ổn định, không dịch bệnh tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng. Ngoài nuôi bò còn có thêm đàn gà, vịt hơn 100 con đẻ trứng bán hàng ngày, từ đó tôi có tiền nuôi các cháu ăn học”.
Gia đình anh Ngô Minh Hùng ở xóm 6, xã Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) làm 5 sào ruộng. Thời gian nông nhàn, gia đình còn làm thêm đủ nghề để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ nhưng cuộc sống vẫn chật vật.
Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng hộ mới thoát nghèo, gia đình anh mua 2 con bò sinh sản. “Nếu thuận lợi thì sau 1 năm sẽ có thêm 2 con bê, xuất bán cũng được hơn 20 triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi sẽ đầu tư nuôi thêm gà, vịt trên 50 con” - anh Hùng chia sẻ.
Phong Thổ là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh biên giới Lai Châu. 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số... nên việc phát triển kinh tế xã hội ở Phong Thổ nhìn chung còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất không đồng đều, còn phải kể đến tình trạng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Bám sát đặc điểm đó, với phương châm “chủ động, thiết thực, hiệu quả”, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ đã thực sự là kênh ủy thác nguồn vốn vay tín dụng tin cậy, điểm tựa quan trọng giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có thêm cơ hội thoát nghèo.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo ở miền núi hiện nay vẫn là thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Xác định được điều đó, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã tạo mọi điều kiện để nhiều người nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể... Trên cơ sở đó, ngày càng nhiều hộ dân có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua, đời sống bà con bản Phai Cát 1, xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi mới.
Với 50 hộ là đồng bào dân tộc Thái, trước năm 2010, số hộ đói, nghèo ở bản Phai Cát 1 lên tới 28 hộ, chiếm gần 60%. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là việc tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi nên nhiều hộ trong bản đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đầu năm 2016, bản Phai Cát 1 chỉ còn 10 hộ nghèo, không còn hộ đói; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như mô hình của các gia đình ông Đèo Văn Pan, Đèo Văn Nhung, bà Lò Thị Vui...
Theo thống kê, chỉ riêng Chi hội Phụ nữ bản Phai Cát 1 đã đứng ra ủy thác giúp hội viên vay trên 1,7 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Đến nay, 100% số hộ vay vốn trong bản đều sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế, không có hộ nào nợ quá hạn.
Ông Đèo Văn Nhung, Trưởng bản Phai Cát 1 cho biết: “Đời sống bà con trước đây khó khăn lắm, lo bữa ăn cho bọn trẻ còn khó. May nhờ có cán bộ hướng dẫn cách sản xuất, có ngân hàng cho vay vốn đầu tư nên nhiều hộ trong bản đã vươn lên phát triển sản xuất và dần có đời sống khá giả hơn”.
Để tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ thường xuyên chủ động phối hợp với các ban, ngành và tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con về mục đích, ý nghĩa, các chương trình cho vay, nguồn vốn vay...
Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như củng cố, mở rộng hệ thống Điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; cử cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn cụ thể..., hiệu quả sử dụng vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH ở huyện vùng cao Phong Thổ đã không ngừng được nâng lên.
Đồng thời, Chi nhánh còn phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức cho hội viên đăng ký và bình xét các đối tượng vay vốn bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ.
Tại những buổi sinh hoạt bình xét, cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn đều thông báo rõ về nguồn vốn tăng trưởng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thuộc diện vay vốn cũng như thủ tục, trình tự vay vốn, giải ngân...
Hướng đến tạo ra hiệu quả sử dụng vốn vay cao nhất và thiết thực hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, Chi nhánh Ngân hàng CSXH ở huyện vùng cao Phong Thổ còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân để nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và phát triển sản xuất.
TT